Các Nhà Khoa Học Đã Tin Chúa

Câu Chuyện 21: Sự Khôn Ngoan Sau Khi Nhìn Lại

21 21CauChuyenKhoaHoc 1210x808 

 

Tiến sĩ Eric C. Barrett gặp một vấn đề khó giải quyết suốt nhiều năm.

Là một giáo sư đại học, ông đã dành nhiều thì giờ để sưu tầm nghiên cứu và dạy các khoa học về môi sinh. Là một trong những nhà tiên phong ứng dụng các dữ kiện do vệ tinh cung cấp hằng ngày trong các lãnh vực ấy, ông đã du hành nhiều nơi cho Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức khác nữa, làm tư vấn cho những vấn đề như đánh giá lượng nước mưa, kiểm tra dịch bệnh, dự báo mùa vụ, cố vấn về thời tiết bất thường, tất cả đều nhờ sử dụng các dữ kiện do vệ tinh ghi nhận để khiến cho đời sống tạm thời trở thành khá hơn cho người khác.

Nhưng với cương vị một Cơ Đốc nhân ông cũng hoạt động tích cực trong các giới giáo hội nữa – trước hết, với tư cách một nhà truyền đạo là tín đồ thường, rồi sau đó, từ 1967 trở đi, với cương vị một Đại diện danh dự khu vực cho hiệp hội Phúc Âm Xla-vơ (Savic Gospel Association, SGA). Kể từ đó, những cuộc hộp họp của các đại biểu đã chiếm nhiều thì giờ rỗi rãnh của ông.

Ý thức được cái nguy cơ rằng “các nhà bác học là Cơ Đốc nhân có thể ngày càng nguội lạnh theo trình độ”, khuynh hướng của Tiến sĩ Eric bao giờ cũng là tìm cách giữ cho đức tin và công tác khoa học của mình tách rời nhau một cách hợp lý. Rõ ràng là lắm khi ông đã không thành công. Ông cay đắng nhớ lại thế nào, vào một sáng thứ hai, bài giảng về khí tượng của ông tại Đại học đường Bristol đã bất ngờ bị cắt ngang bởi một tiếng “A-men” ngắn gọn, rõ ràng.

Mới đây, Tiến sĩ Barrett, nhận lời thách thức đối với cá nhân ông từ ông Tổng giám đốc SGA Peter Deyneka, Jr. để phát triển một chương trình phát thanh mới trên cơ sở khoa học, nhằm truyền bà rộng rãi Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho Liên bang Xô-viết và nhiều nơi khác nữa. Hậu quả là điều đã trở thành hiển nhiên cho ông, ấy là từ lâu, Đức Chúa Trời đã có kế hoạch cho việc ứng dụng càng có giá trị cao hơn cho bối cảnh khoa học và mối quan tâm của ông.

Hiên nay, với cương vị Viện trưởng Hàn lâm Viện Khoa học ngành Vô tuyến điện và đồng biên tập quyển sách này, Tiến sĩ Eric Barrett rất vui vì giờ đây ông có thể kết hợp khoa học với kiến thức và từng trải về Đức Chúa Trời của mình để tạo ra một sự khác nhau tồn tại mãi trong đời sống nhiều người.

Tiến sĩ Eric C. Barrett là Giảng viên về Khí tượng học và Cảm ứng từ xa tại Đại học đường Bristol, Anh quốc. Ông đã tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Hạng Nhất Danh dự về Địa lý học tại Đại học đường Sheffield năm 1962, và một bằng Thạc sĩ Khoa học cho công trình nghiên cứu về khí hậu thay đổi mười tám tháng sau đó. Ông là giảng viên với trọn vẹn thì giờ, thành viên của Hội đồng giáo sư của các Đại học đường Sheffield và Leicester của Anh quốc, trước khi chuyển đến Bristol năm 1965, nơi ông nhận được bằng Ph.D. năm 1969, và một bằng “Tiến sĩ cao cấp” hiếm hoi (bằng Tiến sĩ Khoa học) vào năm 1982 vì “sự đóng góp vững chắc và đáng trân trọng cho khoa học địa lý”.

Là Hội viên của ba hiệp hội khoa học chọn lọc, mới đây ông đã được thưởng Huy chương Hugh Robert Mill, và Giải thưởng của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia vì công trình nghiên cứu của ông trong việc đánh giá lượng nước mưa từ các ảnh chụp mây của vệ tinh.

Theo tiếng gọi của các đại học đường New England và Western Australia tại Australia vào những năm cuối 1960 và đầu 1970, ông ngày càng quan tâm tới việc sử dụng máy cảm ứng từ xa của vệ tinh cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Ông đã phục vụ trong một số các tổ chức của Liên hiệp Quốc với cương vị cố vấn Tổ chức cứu tế thiên tai (HR, và Tổ chức Lương Nông (FAO), Giảng viên (FAO) hoặc Báo cáo viên (UNESCO). Tiến sĩ Barrett cũng là Đại diện của Liên hiệp quốc gia các vương quốc Thống nhất tại Hội nghị của Hiệp hội các Phòng Thí nghiệm cảm ứng từ xa Âu Châu, và có ký hợp đồng nghiên cứu thường trực với Chi nhánh Không gian Âu Châu và Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Ông là tác giả hoặc biên tập viên của hàng chục đủ đầu sách khoa học, cộng với hằng trăm tờ báo khoa học về bài viết và các bản tường trình.

Từ năm 1967, ông và bà là Gillian đã phục vụ với chức vụ Đại diện Danh dự khu vực cho Hiệp hội Phúc Âm Xla-vơ tại miền Nam Anh quốc. Hiện nay ông cũng đang phục vụ cho SGA với tư cách Viện trưởng RADAS.

Ông Eric và bà Gillian rất hoan hỉ được làm thành viên của Hội Thánh Báp-tít Kensington, tại Bristol, Anh quốc. Thật là điều lý thú ngày càng tăng đối với hai ông bà khi được chia sẻ chức vụ Cơ Đốc nhân với các con, là Andrew và Stella.

Cuộc đời tôi có hai mối bận tâm nổi trội: nghề làm khoa học, và đức tin đặt vào Đức Chúa Trời của tôi – bất chấp lời bàn tán phổ biến rằng nếu khoa học và đức tin quả thật không phải là không thể sống chung với nhau, thì ít nhất chúng cũng hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt là thiên hạ vẫn hay gợi ý rằng nếu cái này là hợp lý, thì cái kia (phải) là phi lý.

Một số nhà khoa học là Cơ Đốc nhân đã đáp lại những quan điểm như thế bằng câu khẳng định rằng điều được cho là khác nhau đó chỉ có vẻ như thế mà thôi, chứ không có thật. Họ chỉ vào “các hành động không chối cãi vào đâu được của đức tin” mà nhiều nhà khoa học thực thi nhằm mục đích “vỡ đất mới”, với sự tiến bộ vượt xa kiến thức và sự hiểu biết thông thường. Nhiều phát kiến mới đã được thực hiện nhờ vận dụng luận lý học (lô-gic), nhưng nhiều phát kiến khác vốn là kết quả của các bước tiến vượt xa cái lô-gíc – những biểu lộ thực tiễn của niềm tin rằng một số sự việc nào đó có thể là đúng, là thật. Nhiều khoa học gia, do thói quen vận dụng đức tin để vượt ra ngoài hầu thám sát các lãnh vực chưa biết của cái vũ trụ vật chất này, cũng đã tìm thấy Đức Chúa Trời nhờ vượt ra ngoài y như thế để đi vào lãnh vực của thực tại thuộc linh. Họ đã trở thành trước hết là một nhà khoa học, và sau đó, là một Cơ Đốc nhân.

Kinh nghiệm của riêng tôi lại khác. Tôi đã trở thành một nhà khoa học rất lâu sau khi tôi đã là một Cơ Đốc nhân. Và lời làm chứng của tôi – sau ba mươi năm làm Cơ Đốc nhân và hai mươi năm làm một nhà khoa học chuyên nghiệp – là có sự sống giống nhau rõ rệt giữa việc thực hành khoa học với việc thực thi đức tin Cơ Đốc giáo. Giờ đây, bằng sự khôn ngoan nhìn sự việc sau khi nó đã xảy ra rồi, tôi có thể thấy là mình đã theo điều mà chúng ta vẫn gọi là “Phương pháp Khoa học” khi tôi tìm kiếm Đức Chúa Trời để sau đó cùng bước đi với Ngài – rất lâu trước khi tôi được học biết về phương pháp ấy, và địa vị rất được trọng vọng của nó trong khoa học.

Tôi xin giải thích sự việc đã xảy ra.

Bước đầu tiên của Phương pháp Khoa học là quan sát các biến cố và các hoàn cảnh tình hình. Tôi đã quan sát thấy gì trước nhất, khiến tôi suy nghĩ về những điều thuộc linh? Bấy giờ, tôi mới lên mười một tuổi. Đây có thể xem là một hạng tuổi rất chưa trưởng thành. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, nhiều trẻ con đã rất có thể biết quan sát, suy nghĩ cẩn thận, và lý luận nữa.

Tôi đã hát được hai năm trong ca đoàn Anh quốc giáo, là “quốc giáo” của đất nước tôi. Các buổi nhóm lại thờ phượng của Anh quốc giáo vốn có tính cách rất hình thức và nặng nề lễ nghi. Tôi đã chẳng quan sát thấy gì trong đó khiến tôi nghĩ rằng những người đi nhà thờ có gì khác với những người khác, ngoại trừ sự ham thích lạ lùng của họ là muốn dành thì giờ để đến nhà thờ mà chẳng vì một phần thưởng nào có thể nhìn thấy cả. Là một nhi đồng trong ca đoàn, tôi được trả công (tuy không nhiều lắm) cho việc tôi đi nhóm lại thờ phượng dự các buổi thánh lễ, và – hơn hết tất cả, là những lễ hôn phối. Nhưng tôi không biết lý do tại sao các tín đồ khác lại đi nhóm lại ở nhà thờ.

Nhưng thình lình, cả cuộc đời của mẹ tôi bỗng thay đổi thấy rõ. Bản thân bà trước đó vốn chẳng hề là một người thường xuyên đi nhà thờ, giờ đây bỗng tuyên bố rằng bà đã “ăn năn quy đạo” nhờ tình cờ, được nhóm lại trong một nhà thờ khác mà tôi không được biết. Sự thay đổi trong cuộc đời bà gây nhiều ấn tượng, nhưng tôi đoan chắc là nó sẽ chẳng tồn tại được lâu. Tuy tôi không hề nói thêm, nhưng chẳng bao lâu sau đó, cách ăn ở cư xử của chị cả tôi cũng thay đổi. Dường như các lý do cũng giống nhau.

Nếu bảo rằng tôi rất ngạc nhiên vì những thay đổi đó thì hãy còn là quá ít. Nhưng sau khi suy nghĩ thật kỹ, tôi nhận thấy nếu nghiên cứu kỹ hơn, tôi sẽ có thể làm sáng tỏ được vấn đề. Cho nên tôi nhất định bỏ một buổi hát lễ vào lúc sáng sớm nhân một Chúa nhật để cùng đi nhà thờ với mẹ và chị Shella của tôi. Đến đây là tôi đã theo bước thứ hai trong Phương pháp Khoa học: tôi quan sát, rồi sau đó là phân tích điều tôi đã thấy và nghe.

Điều khiến tôi kinh ngạc nhất – trong khung cảnh của những buổi nhóm lại đơn sơ nhưng rõ ràng là rất chân thành – là tôi đã được nghe rõ ràng và trực tiếp lần thứ nhất trong đời, rằng con người không có Đức Chúa Trời thì chưa được đầy đủ trọn vẹn, và không thể nào thực hiện được phần tiềm năng đầy đủ của mình bằng chính các nỗ lực hay “việc làm tốt lành, công đức” của riêng mình. Tôi biết được rằng nếu cứ bỏ mặc một mình, thì con nguời ta chẳng bao giờ được đẹp lòng Đức Chúa Trời – và rằng sự phân rẽ đời đời với Đức Chúa Trời là hình phạt cho việc làm điều không đẹp lòng Ngài. May thay, tôi cũng khám phá được rằng Đức Chúa Trời luôn luôn yêu mến nhân loại – yêu nhiều đến nỗi đã ban chính Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu để chịu chết thay cho tội lỗi của tôi và mở một con đường cho tình yêu của Đức Chúa Trời đến với đời sống tôi. Hồi đó, điều ấy có vẻ thật “kỳ cục” đối với tôi, đến độ tôi đã chẳng đi đến được một kết luận nào cả sau nhiều năm đi nhóm lại tại ngôi nhà thờ khác kia!

Tôi nhìn vào những người khác trong hội chúng chung quanh. Đã chẳng có gì để nghi ngờ cả: bất cứ điều gì hay bất kỳ ai đã làm thay đổi hai thành viên trong gia đình tôi, rõ ràng ông đã làm thay đổi những người kia nữa. Về thái độ chung, thì họ đều giống nhau cả – nhưng lại khác hẳn với hầu hết những người khác mà tôi biết. Tôi cẩn thận chú ý đến tất cả những gì họ nói và làm.

Công trình phân tích của tôi đã đưa tôi đến câu kết luận đơn giản này: có hai việc cần thiết để thay đổi được cả tôi nữa. Một là ăn năn với Đức Chúa Trời về tất cả những điều tôi đã làm sai trái. Cũng như hầu hết các bé trai mười một tuổi, lương tâm của tôi vốn rất nhạy bén (và tôi không tài nào hiểu nổi) mà chẳng bao lâu sau đó trong cuộc đời nó mới như đã thật sự bị cắt bỏ đi. Hai là đức tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu với tư cách Con Đức Chúa Trời, Đấng đã nhận lấy sự trừng phạt thay cho tôi tại Gô-gô-tha, và đã từ chết sống lại để đứng trung gian cho tôi trước mặt Cha Ngài – cũng là Cha tôi – trên thiên đàng.

Một Chúa nhật nọ, tôi thình lình cảm thấy bị thôi thúc tiến thêm một bước nữa. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: Đức tin vào Đức Chúa Trời có thật sự cũng khiến được cho tôi đổi khác đi nữa, hay không? Tôi chỉ có thể tìm ra được điều đó bằng cách thí nghiệm mà thôi. Tôi vô cùng kinh ngạc, khi nhận ra rằng khi tôi cố tìm cách tin cậy Ngài, thì tôi có thể tin được; chính trong khoảnh khắc ấy, tôi đã tin Ngài!

Tôi vô cùng kinh ngạc khi ý thức được một cách áp đảo rằng Đức Chúa Trời đang ở trong tôi và bên cạnh tôi, đến nỗi thoạt đầu, tôi đã quên mất mà không cầu xin Ngài tha thứ cho tôi về những năm mà tôi đã chểnh mãng và đã không vâng lời Ngài. Sau đó, tôi mới nhớ lại rằng đó là điều mà tôi phải làm. Sau việc ấy, tôi chỉ còn phải nói với nhiều người khác rằng cuộc thí nghiệm đầu tiên trong đời sống làm Cơ Đốc nhân của tôi đã thành công ngoài sức tưởng tượng! Qua rất nhiều năm tiếp theo đó, tôi vẫn còn cảm thấy nỗi vui mừng của cái cảm xúc lâng lâng bay bổng mà tôi cảm thấy trên đường trở về nhà mình vào buổi chiều hè ấy.

Đã đến lúc để một khoa học gia sau khi thực hiện đầy đủ việc quan sát, phân tích và thí nghiệm có thể đúc kết các phát hiện của mình thành những lý thuyết và định luật. Khi tôi càng được biết rõ Đức Chúa Trời hôm qua những năm niên thiếu của mình, được hưởng nhiều hoạt động trong sinh hoạt của chi hội địa phương mà tôi mới gia nhập, niềm tin quyết của tôi vào Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời cứ tiếp tục gia tăng.

Trong trường học, mối quan tâm của tôi ngày càng tập trung vào các khoa học. Vả, như tôi ngày càng tiếp thu nhiều hơn món nợ chúng ta đối với các khoa học gia đi trước vì đã đem đến cho chúng ta trình độ kiến thức hiện nay, tôi quyết định sử dụng quyển sách giáo khoa của Đức Chúa Trời, là bộ Thánh Kinh, làm phương tiện để giúp tôi nâng cao nhanh chóng hơn sự hiểu biết của tôi về Ngài. tôi trở thành người quan tâm đến các giáo lý quan trọng của Cơ Đốc giáo – các mẫu mực về bản tính và hoạt động của Đức Chúa Trời, tình trạng và địa vị của loài người trước và sau khi họ tin cậy Ngài, các kế hoạch, và chủ đích của Ngài cho thế gian này. Và tôi ngày càng học biết đươc nhiều thêm về luật pháp của Đức Chúa Trời – tức là những đường hướng chỉ đạo đã được ấn định vì lợi ích cho tất cả những người đã được Ngài ban cho sự sống.

Với nhiều đồng nghiệp của tôi trong các cộng đồng khoa học, Phương pháp Khoa học – quan sát, phân tích, thí nghiệm, đúc kết thành khuôn mẫu, và phát triển các giả thiết, lý thuyết và định luật – tự nó vốn đã là đầy đủ rồi. Họ nhận thấy chẳng còn cần phải làm gì nhiều hơn nữa đối với khoa học của họ. Họ được gọi là các nhà khoa học “thuần tuý”.

Nhưng một số người trong chúng ta lại nhìn sự việc khác hơn thế. Ít nhất chúng ta cũng có quan tâm đến công dụng của khoa học trong việc giải quyết các vấn đề hằng ngày như chúng ta đang giải quyết các vấn đề nhân danh sự tiến bộ của kiến thức khoa học. Chúng ta được gọi là các nhà khoa học “ứng dụng”.

Lẽ dĩ nhiên điều tự nhiên đối với bất kỳ một nhà khoa học nào là cũng phải học hỏi về yếu tính của nghề nghiệp của mình trước khi có thể sử dụng nó thật phải lẽ – khoa học thuần tuý là tấm ván nhún lấy đã để nhảy vào chiếc ao ứng dụng. Cho nên, trong trường hợp của tôi, công tác khoa học từ lúc đầu của tôi vốn là thuần tuý, chứ không phải ứng dụng. Mảnh bằng Thạc sĩ khoa học của tôi tiêu biểu cho một công trình nghiên cứu hoàn toàn có tính cách bác học về ảnh hưởng của các thành phố trên sự thay đổi của khí hậu thời tiết. Và ai là người có thể tìm ra cách ứng dụng tốt cho luận án Tiến sĩ của tôi về “Sự đóng góp của các vệ tinh khí tượng cho ngành khí hậu học Năng động?” Không phải đợi mãi cho đến thật lâu về sau, mà ngay từ đầu những năm 1970 trở đi, các mối quan tâm của tôi đã bắt đầu thay đổi, và công tác của tôi đã trở thành thực tiễn hơn.

Một lần nữa, từng trải của tôi với tư cách một Cơ Đốc nhân cũng giống với nguyên tắc này: Khoa học thuần tuý theo đuổi kiến thức vì chính nó. Nó chẳng đoán trước, cũng chẳng tìm cách lợi dụng các phát kiến của mình: thế giới vật chất xứng đáng để được khai phá vì chính nó. Cuộc đời một Cơ Đốc nhân cũng gồm có một công cuộc tìm kiếm. Thánh Kinh dạy Cơ Đốc nhân phải “lớn lên trong ân điển và trong sự thông biết – cũng như trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời”. Với một số người thì việc khám phá về Đức Chúa Trời đó là đã đủ rồi.

Nhưng mặt khác, như chúng ta vẫn có một phạm vi rộng lớn để ứng dụng các phát kiến của khoa học hầu giúp ích và phục vụ cho người khác, chúng ta cũng được Đức Chúa Trời truyền dạy là phải chia sẻ sự hiểu biết về Ngài cho nhiều người khác nữa. Thánh Kinh cũng dạy rằng sở dĩ chúng ta “được cứu là để phục vụ”. Bất cứ điều gì một tín hữu học biết được, cũng đều có thể có giá trị cho đồng bào mình. Cho nên Cơ Đốc giáo “thuần tuý” và “ứng dụng” cũng nắm tay nhau song hành.

Trong những năm cuối của cuộc đời niên thiếu của mình, tôi đã chấp nhận một thách thức – đồng thời với trách nhiệm – là chia sẻ đức tin vào Chúa Cứu Thế của tôi với nhiều người khác. Thoạt đầu tôi làm việc ấy bằng cách dạy Trường Chúa Nhật. Khi là sinh viên tại Đại học đường Sheffield, tôi đã tham gia các đội hoạt động truyền bá Phúc Âm của các tín đồ thường.

Khi tôi gần ba mươi tuổi, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn cho vị hôn thê của tôi là Gillian và tôi nhận lời mời trở thành các đại diện công tác với số thì giờ rảnh rỗi và không hưởng lương của Hiệp hội Phúc Âm Xla-vơ (SGA). Chúng tôi đã phục vụ cho công tác truyền giáo ở cương vị này từ 1970 cho đến nay. Tôi đã chẳng bao giờ nhận thấy có gì là khó khăn trong việc hoà giải khoa học với đức tin và từng trải Cơ Đốc nhân của mình. Như Kepler có lần đã nói, khoa học là “tư tưởng các tư tưởng của Đức Chúa Trời theo cách của Ngài”. Thành thật mà nói thì mãi cho đến giữa những năm 1970, tôi vẫn chưa hề quan tâm gì đến việc lợi dụng chính khoa học như một phương tiện để làm gì khác hơn là cho bình diện thuộc thể hay tâm lý mà thôi.

Thế rồi một việc hết sức bất ngờ và xảy ra liên tiếp thật nhanh chóng theo nhau, tôi nhận được hai lời mời viết cho các chương trình phát thanh Cơ Đốc giáo trên cơ sở khoa học: trước là của ông Peter Deyneka, Jr. (hiện là Tổng giám đố SGA), và sau là của Mục sư Joselp Steiner (Giám đốc phần Phát thanh tiếng Hung-ga-ri tại Đài phát thanh Toàn thế giới ở Monte Carlo). Chẳng bao lâu sau các nỗ lực đầu tiên thành công của mình, tôi đã được yêu cầu thiết kế và phát triển một chương trình phát thanh Tin Lành và Tin lành Khoa học mới và đầu tiên cho SGA, sử dụng khoa học làm cơ sở. Do thích thú với sự thôi thúc đầy phấn khởi trước một thách thức mới mẻ như thế, tôi đã nhận cái trách nhiệm ấy.

Cho nên, vào mùa hè 1977, RADAS (Viện Hàn lâm Khoa học ngành Vô tuyến điện) đã ra đời. David Fisher tham gia ban giám đốc của chúng tôi với tư cách Biên tập viên năm 1979, và sau nhiều cố gắng, chương trình non trẻ này đã bay vào không gian lần đầu tiên ngày 1 tháng 1 năm 1980.

Từ đó cho đến nay, sự tăng trưởng của Radas rất khả quan. Giờ đây nó gồm có các chức vụ cho cả gia đình: các chương trình cho cả người lớn lẫn trẻ con gồm nhiều ngôn ngữ, các tài liệu thính thị, các bài đăng trên tạp chí, và nhiều quyển sách (kể cả bộ sưu tập những lời làm chứng này). Điều này đã vượt quá những gì mà tôi dám mơ ước khi lần đầu tiên tôi đặt bút phác thảo các kế hoạch sơ bộ vào phía sau chiếc phong bì của một bức thư gởi theo đường hàng không tại Chicago năm 1976!

Với tôi RADAS là lời đáp cho bài cầu nguyện mà tôi thường nhắc đi nhắc lại: “Lạy Chúa tại sao Ngài không gọi con vào việc phục vụ Ngài với “trọn vẹn thì giờ?” Với một Cơ Đốc nhân “làm việc thêm giờ” thì việc nghĩ đến một “chức vụ làm trọn vẹn thì giờ” thật vô tư có vẻ như một chiếc thang vừa cao vừa hấp dẫn, nhung rất khó “leo lên” được. Cũng như nhiều Cơ Đốc nhân khác ở vào địa vị của tôi. Tôi đã chấp nhận từ lâu cái ý niệm rằng Đấng nhậm lời cầu nguyện của tôi chính là Đức Chúa Trời – vì các lý do của riêng Ngài – và Ngài đã không muốn cho tôi trực tiếp phục vụ Ngài với trọn vẹn thì giờ. Tôi đã vui mừng biết bao khi phát giác được một lời đáp thứ hai nữa cho thắc mắc của tôi: Đức Chúa Trời muốn lợi dụng khoa học của tôi và địa vị là một nhà khoa học của tôi, để tiếp tay đưa nhiều người khác đến với Ngài.

Câu trả lời đầy đủ hơn này chỉ đến sau khi tôi đã là một tín hữu từ hơn hai mươi lăm năm rồi, và làm một nhà khoa học đã hơn mười lăm năm. Chính lẽ vào lúc đó, bằng sự khôn ngoan sau khi nhìn lại, tôi mới thấy được điểm này: trong khi chức vụ phục vụ Cơ Đốc giáo với trọn vẹn thì giờ được dành cho một số người, thì nhiều loại chức vụ phục vụ Cơ Đốc giáo khác nữa cũng được dành riêng cho các tín đồ thường, mà vì các kỹ năng thế tục hay địa vị xã hội của họ, khiến họ được trang bị tốt hơn để thành công trong những nhiệm vụ như thế. Giờ đây, tôi rất ước ao phải chi mình đã có nhiều kiên nhẫn hơn khi Đức Chúa Trời chuẩn bị mình để hoàn thành phần chủ đích chính của Ngài cho đời sống tôi. Nhưng Ngài là Đấng duy nhất thấy được phần kết cuộc ngay tại khởi điểm. Chỉ có Ngài mới biết rõ tương lai.

Nói tới tương lai đưa tôi đến với nhận xét cuối cùng của mình.

Có lẽ mục tiêu cuối cùng – và là phần thử nghiệm gay go nhất – của khoa học, là việc dự đoán tương lai. Các nhà khoa học nói rằng: “Nếu chúng ta có được các dữ kiện cần thiết, và hiểu rõ một loại hoàn cảnh nào đó vừa đủ, thì chúng ta phải dự đoán được kết quả của những thí nghiệm hay biến cố thiên nhiên liên hệ”.

Là một Cơ Đốc nhân, tôi đã có các dữ kiện về tình hình thuộc linh của thế giới hiện nay: có nhiều người hiện không thể tự họ tìm biết Đức Chúa Trời được. Và tôi hiểu rằng Đức Chúa Trời vẫn còn là Chúa của sự sống. Cho nên chẳng có gì để ngạc nhiên điểu tôi tin chắc, mà đó cũng là điều mà Kinh Thánh dạy – ấy là sẽ có một ngày, Đức Chúa Trời sẽ phán với mỗi người chúng ta: “Đã đủ rồi, hãy tường trình cho ta về tất cả những gì ngươi đã làm –hoặc đã không chịu làm”.

Chính là tại lãnh vực tối quan trọng này mà các đường song song tôi thấy giũa khoa học với đức tin Cơ Đốc nhân gặp nhau. Tôi thường lưu ý các sinh viên của tôi (để mọi người chúng tôi đều phải giữ mình khiêm tốn) rằng với cương vị các khoa học gia hôm nay chúng ta phải làm sao để một vài người khác sẽ có thể làm việc ấy tốt hơn ngày mai. Nhưng với tư cách một Cơ Đốc nhân, tôi biết là có nhiều việc mà Đức Chúa Trời muốn cho tôi làm, mà chẳng hề có một người nào khác làm được. Ngài buộc chính tôi phải chịu trách nhiệm đối với những việc ấy. Hơn nữa, có lẽ cũng sẽ chẳng có một ngày mai nào cho tôi làm những công việc ấy, nếu tôi không thực hiện chúng ngay hôm nay.

Vậy kết luận của chúng ta phải là gì? Ngoại trừ trong các lãnh vực then chốt, bao gồm cả vai trò, và trách nhiệm của từng cá nhân, khoa học và Cơ Đốc giáo vốn phải sống chung với nhau đến độ cả hai đều có thể được tiếp cận bằng cùng một phương pháp. Phần cốt lỗi của nó là thí nghiệm – là lấy đức tin để thử nghiệm một khái niệm hay giả thiết sơ khởi. Và một thí nghiệm đối với Cơ Đốc giáo như thế là điều mà mỗi người chúng ta đều có thể thực hiện, dù chúng ta đã được đào tạo trong lãnh vực khoa học hay bất kỳ một lãnh vực nào khác.

Thánh Kinh chép như thế này: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao” (Thi 34:8a)

Tất cả những người đã đóng góp vào quyển sách này đều đã vâng theo lệnh truyền ấy và đưa lời hứa hãy nương cậy Đức Chúa Trời vào một thí nghiệm thành công.

Còn bạn thì thế nào?

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 2346 guests and no members online

Your Language