10. THÁNH KHIẾT NHƯ ĐÁ KIM CƯƠNG
Sự thánh khiết là sự trọn vẹn của tất cả thuộc tính khác của Đức Chúa Trời. Quyền năng của Ngài là quyền năng thánh, lòng thương xót của Ngài là lòng thương xót thánh, sự khôn ngoan của Ngài là sự khôn ngoan thánh. Chính sự thánh khiết của Ngài trên mọi thuộc tính khác, mới làm cho Ngài xứng đáng để được chúng ta ca ngợi. Jerry Bridges
Tôi nhớ đọc cuốn sách The Pursuit of Holiness (Đeo Đuổi Thánh Khiết) khi tôi khoảng 20 tuổi. Mỗi trang sách đều đánh động lòng tôi. Tôi hiểu Đức Chúa Trời là thánh khiết, nhưng ý niệm rằng tôi có thể đeo đuổi sự thánh khiết thì tôi hoàn toàn không hiểu. Khi biết được điều này, những lời trong nhật kí tôi đã thay đổi, sự tập trung trong sự thờ phượng của tôi cũng thay đổi, tôi chọn bạn cũng khác. Điều này không phải vì tôi tưởng tượng mình tốt hơn ai khác. Sự thật thì tôi biết tôi yếu đuối và rất dễ bị dao động bởi những điều bất khiết.
Vì lí do này, tôi dồn hết sức mình để gìn giữ những gì đã được bày tỏ cho tôi để Đấng Thánh có thể được bày tỏ qua tôi. Tôi có khuynh hướng nhìn mặt trái của vấn đề - để tôi khám phá ra rằng người ta sống mà xem như đã chết. Để phản ứng, tôi phải kiềm chế khá lâu và thấy mình vướng vào những luật lệ và vẻ bề ngoài. Lúc tôi sinh đứa con đầu tiên, tôi mang một ước ao sâu kín là con tôi sẽ thánh khiết và tự do ngay lập tức - điều này có nghĩa là người mẹ cần kinh nghiệm tương tự.
Đừng sợ! Đón nhận ý niệm thánh khiết không thêm vào danh sách những luật lệ để kìm hãm chúng ta. Không phải thế . . . việc đeo đuổi thánh khiết là sự phóng thích của chúng ta. Nó là sự đảm bảo rằng còn có nhiều điều hơn cho đời sống cơ đốc nhân hơn là việc xưng nhận đức tin. Sự thánh khiết là một lời mời gọi bước vào sự hoàn hảo vững chãi của Đức Chúa Trời. Nhà thần học người Anh Sinclair Ferguson đã viết:
Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời nghĩa là Ngài phân rẽ khỏi tội lỗi. Nhưng sự thánh khiết trong Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là sự trọn vẹn. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là sự thánh của Ngài. Ấy là bản chất mà Đức Chúa Trời trong mọi sự nên Ngài mới là Đức Chúa Trời. Để gặp gỡ Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết của Ngài là hoàn toàn choáng ngợp khi chúng ta khám phá ra rằng Ngài là Đức Chúa Trời, chứ không phải con người.
Đức Chúa Trời phân rẽ khỏi tội lỗi, nhưng qua Đấng Christ, Ngài gần gũi như hơi thở của chúng ta. Khi chúng ta ngừng lại trong sự hiện diện thánh khiết của Ngài, có một khải thị về cách mà Ngài không giống con người chúng ta nhưng cùng lúc có một ý thức sâu sa về cách mà Ngài yêu chúng ta rất nhiều. Về nhiều phương diện, việc chọn bước đi trong thánh khiết là đáp ứng của chúng ta đối với món quà công chính của Ngài. Ngài đã mặc cho chúng ta sự chói sáng - vậy tại sao chúng ta lại mặc lại những chiếc áo bẩn của trần gian? Chúng ta được yêu bởi vì một vị Vua là Đấng ban Con Ngài để nhấc đầu chúng ta ra khỏi bóng tối để chúng ta có thể ngắm xem ánh sáng của Ngài. Tại sao chúng ta lại muốn thăm viếng lại vùng sự chết?
Đức Chúa Trời là thánh khiết và Ngài làm những việc thánh thiện.
Giống như tình yêu của Ngài, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là vững chãi: bất biến, không dời đổi, không dao động, không thể xuyên thủng, nhất quán, và kiên định.
Sự thánh khiết của Ngài là không đầu hàng và rất hấp dẫn - vì sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là đẹp đẽ lúc gầm thét cũng như lúc mềm mại.
Đức Chúa Trời là ánh sáng thánh khiết. Đức Chúa Trời là tình yêu thánh khiết. Đức Chúa Trời là ngọn lửa thiêu đốt.
Sự thánh khiết không thể phân rẽ khỏi bản chất minh bạch của Ngài.
Đức Chúa Trời là Cha thánh, là Đấng cai trị trong sự thánh khiết và oai nghi thánh. Từ Cựu ước đến Tân ước, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời được công bố:
Trong vòng các thần ai giống như CHÚA, ai giống Chúa? Uy nghiêm thánh khiết, Đấng vinh quang đáng kính sợ, Đấng làm bao phép lạ dấu kỳ? (Xuất 15:11)
Và :
Lạy Chúa, ai không kính sợ Ngài và tôn vinh danh Ngài?
Vì Ngài là Đấng duy nhất thánh khiết. Tất cả các dân tộc đều sẽ đến và thờ phượng trước mặt Ngài. Vì các hành động công minh của Ngài đã được biểu lộ! (Khải 15:4)
Sự Thánh Khiết Là Gì?
Để hiểu được thuộc tính vững chãi này của Đức Chúa Trời, trước hết chúng ta cần hiểu điều này. Từ thánh khiết được định nghĩa một phần là «trọn vẹn trong sự tốt lành» và «công chính.» Thông thường nhất, sự thánh khiết nói đến sự minh bạch, lối cư xử bên ngoài và trổi vượt hơn lối hành xử thông thường của con người. Vì Đức Chúa Trời thánh khiết trong mọi sự Ngài là, nên Ngài thánh khiết trong mọi sự Ngài làm. Lối cư xử của Đấng Thánh là sự thánh khiết. Những từ ngữ khác nói về sự thánh khiết là nên thánh, tận hiến, tẩy sạch, dâng mình, tin kính và thiêng liêng.
Theo những lời lẽ của N.T. Wright, “Người ta thường xem sự thánh khiết là phẩm chất tiêu cực - không chút lỗi lầm - nhưng thật ra nó là điều tích cực, sự phản chiếu xuất hiện trong tâm tính con người khi chúng ta học trong thực tế như thế nào là mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời.”
Tôi thích ý này. Sự thánh khiết phải học hỏi khi chúng ta áp dụng vào thực tế để sống như con cái của Đức Chúa Trời Chí Cao.
Đức Chúa Trời là thánh khiết trong ân sủng, thánh khiết trong quyền năng, thánh khiết trong đức tin, thánh khiết trong tình yêu, thánh khiết trong lẽ thật, thánh khiết trong tri thức, và thánh khiết trong sự phán xét. Đức Chúa Trời luôn luôn là thánh khiết, hiện tại là thánh khiết và tương lai luôn thánh khiết. Nhưng Ngài mời chúng ta là những người chưa thánh, có thể hiện tại cũng chưa thánh đủ, hãy thánh khiết. Đây không phải là lời mời để chúng ta thử rồi thất bại nhằm thể hiện thiện ý của con người. Vì chúng ta thuộc về Ngài, chúng ta đã được ban cho đặc quyền trở thành người dự phần bản chất thánh khiết của Ngài.
Đây là lời hứa được ban cho trong 2 Phi-e-rơ 1:3-4:
Bởi thần năng, Ngài ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và sống tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân từ Ngài. Qua những điều này Ngài đã ban cho chúng ta những lời hứa lớn lao và quý báu, bởi đó anh chị em có thể thoát khỏi dục vọng hư hoại của thế gian mà được dự phần vào bản tánh của Đức Chúa Trời.
Quyền năng siêu nhiên của Ngài đã ban ơn cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để bước đi trong sự tin kính và thánh khiết. Không bỏ sót nhu cầu nào. Chúng ta có lời hứa của Ngài rằng chúng ta đã được trang bị mọi sự chúng ta cần để sống nếp sống thánh khiết. Đấng Christ đã chinh phục lời hứa này cho chúng ta cũng như Ngài đưa ra khuôn mẫu cho chúng ta. Charles Spurgeon viết, “Trong sự thánh khiết, Đức Chúa Trời được thấy rõ hơn bất cứ điều gì khác, ngoại trừ trong Thân Vị của Đấng Christ, Chúa Giê-su, mà đời sống của Ngài sự thánh khiết được lặp lại.”
Chúa Giê-su bày tỏ sự thánh khiết của Cha. Khi liên hệ đến sự thánh khiết, Chúa Giê-su vừa là khuôn mẫu vừa là Thầy Thượng Tế. Vì Ngài và Đức Chúa Trời là một, Chúa Giê-su đã làm và đã nói chỉ những gì Ngài nghe và thấy Cha thánh nói và làm. Đây là khuôn mẫu cho đời sống thờ phượng của chúng ta.
Đây là lí do tại sao Phao lô yêu cầu chúng ta:
Đền thờ Đức Chúa Trời có thể chứa thần tượng được không? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống như Đức Chúa Trời đã phán:
“Ta sẽ ở và đi lại giữa họ
Ta sẽ là Đức Chúa Trời của họ Và họ sẽ là dân Ta.” Gie Gr 32:38
Vì thế Chúa phán:
“Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi họ, chớ động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các con Es 52:11
Ta sẽ là Cha các con và các con sẽ là con trai, con gái Ta, Chúa Toàn Năng phán vậy.” (2Cô 6:16-18)
Để trả lời câu hỏi đầu tiên của Phao lô: không. Không có sự giao thông. Dùng tiếng A-ram, bản Diễn Ý diễn tả rõ điểm này và hỏi, "Có tình bạn hữu nào giữa đền thờ của Chúa với ma quỷ không? Câu trả lời dễ dàng là . . . không! Phao lô khuyên chúng ta thêm:
Anh chị em yêu dấu, vì chúng ta có những lời hứa như thế, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời. (2 Cô 7:1)
Mới đây tôi đọc một bài viết rất hay thách thức lối suy nghĩ hiện hành của Giáo Hội Giám Lí theo ánh sáng của nhà sáng lập. Đây là phần trích:
Cơ đốc nhân trong truyền thống phải từ chối chọn giữa sự tha thứ (sự công chính) và sự thánh khiết (sự nên thánh), như chính Wesley đã kiên định cả hai trong đời sống cơ đốc nhân. Trong cuốn sách mới đây của bà, Discovering Christian Holiness: The Heart of Wesleyan-Holiness Theology, Diane Leclerc đề nghị thế hệ cuối cùng của những người theo Wesley quản lí tốt sứ điệp thánh khiết. Bà chỉ ra một sự khủng hoảng, không phải khủng hoảng về cách truyền thông sự thánh khiết, mà là khủng hoảng tai hại là im lặng, “thiếu đi sự trùng khớp của sự thánh khiết.” Kết quả là Leclerc tìm thấy rằng “khuynh hướng đi từ chủ nghĩa luật pháp đến chỗ bi quan về việc có thắng được tội lỗi hay không. Nhiều sinh viên của tôi tin tội lỗi là điều đương nhiên và phải chịu đựng trong đời sống cơ đốc nhân. Buồn thay, họ dường như không tìm thấy cách nào khác để sống.
Khi tôi đọc những dòng này, hy vọng được sống lại. Sự thánh khiết bao gồm cả sự công bình và sự thánh khiết, và kết hợp hai điều này mang lại sự trọn vẹn.