Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

011. A2Chương 8 Từ Bỏ Sự Tham Lam & Sự Thờ Hình Tượng

Chương 8 - A2.8 Từ Bỏ Sự Tham Lam & Sự Thờ Hình Tượng

A1 - LÀM THẾ NÀO ĐỂ HUẤN LUYỆNDẫn nhập

Tiền bạc là nguyên nhân gây ra sự sa ngã cho một người lãnh đạo thuộc linh hơn bất cứ điều gì khác. Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống. Nó là một phước hạnh cho công việc Chúa. Tuy nhiên nó lại chịu trách nhiệm cho những điều ác hơn bất cứ một điều gì khác. Làm sao một vật vừa hết sức tốt nhưng cũng vừa hết sức xấu xa như vậy? 

Trong chương này tôi muốn chia xẻ với bạn những nguyên tắc của Kinh Thánh về việc quản lý tiền bạc. Đức Chúa Trời quan tâm về cách bạn sử dụng số tiền của Ngài trao vào tay bạn, cho dù tiền ấy nhiều hay ít. Là một người lãnh đạo, cách bạn sử dụng tiền bạc sẽ quyết định sự thành công hay thất bại với tư cách là một lãnh đạo.

A. TIỀN BẠC VÀ MỐI TƯƠNG GIAO GIỮA CHÚNG TA VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Chúng ta phải học để cẩn thận trong việc sử dụng tiền bạc, bởi vì Satan đã làm cho nhiều người lãnh đạo thất bại qua điều này. Tiền bạc có một ý nghĩa thuộc linh quan trọng. Chúa Jêsus đã dạy một bài học quí giá về mặt tiền bạc ảnh hưởng đến mối tương giao của một người với Đức Chúa Trời. “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào nghạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó". “Chẳng có ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa” (Mathiơ 6:19-24).

Có ba điều sẽ dễ dàng nhận thấy khi chúng ta đọc khúc Kinh Thánh này:

1. Của Cải Trên Đất Này Rất Tạm Bợ

Nạn lạm phát kinh tế có thể làm mất đi giá trị của tiền bạc và kẻ trộm có thể đánh cắp của cải. Chỉ có của cải trên trời mới được bảo đảm về giá trị đời đời.

2. Lòng Yêu Mến Của Bạn Ở Đâu?

Cách chúng ta sử dụng tiền bạc bày tỏ lòng yêu mến của chúng ta ở đâu. Nếu chúng ta sử dụng tất cả tiền bạc chúng ta có chỉ cho riêng mình, chúng ta yêu bản thân chúng ta hơn tất cả. Nhưng nếu chúng ta đầu tư mười phần trăm (tiền phần mười) hoặc nhiều hơn để làm lan truyền phúc âm, chúng ta tỏ ra rằng mình yêu mến Đức Chúa Trời và Tin lành của Ngài.

3. Bạn Không Thể Vừa Hầu Việc Đức Chúa Trời Vừa Hầu Việc Tiền Bạc

Bạn không thể cùng lúc hầu việc Đức Chúa Trời và tiền bạc.“Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi mamôn (tiền bạc) nữa”. (Nhưng bạn có thể dùng mamôn để hầu việc Đức Chúa Trời ). Hoặc Jêsus là Chúa của bạn, hoặc tiền bạc. Đây là điều dễ hiểu. Sự hướng dẫn cho bạn và chức vụ của bạn sẽ được quyết định bởi Chúa Jêsus hoặc là mối liên hệ của bạn với tiền bạc, chỉ một trong hai. “Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta và sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Nhưng hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi” (I Timôthê 6:9-11). 

B. TIỀN BẠC: MỘT CẠM BẪY CỦA SATAN

Có thể có những chiếc lưỡi câu trong tiền bạc! Nếu bạn liên hệ với nó một cách không công chính, bạn sẽ bị mắc bẫy bởi lòng yêu mến tiền bạc của bạn. Satan, vua cầm quyền chốn không trung, đang sử dùng tiền bạc làm chiếc bẫy hữu hiệu nhất của nó.

1. Ma-Môn: Một Vị Tà Thần Trong Mathiơ 6:24

Chúa Jêsus đã dạy về hai ông chủ (hai chúa) mà chúng ta phải chọn một: Đức Chúa Trời và Mamôn. Ma-Môn là tên của một vị thần tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Khi Chúa Jêsus dùng lời nói này, Ngài ám chỉ rằng có một thế lực tối tăm cũng đang kiểm soát của cải trên đất này.

2. Một Số Người Sẽ Bán Linh Hồn Của Họ

Một lần kia khi tôi đang ở Nicaragua, một người tín đồ ở đó kể cho tôi nghe câu chuyện thú vị rằng có một số người ở dọc theo miền bờ biển phía đông “đã bán linh hồn của họ cho ma quỉ”. Khi tôi hỏi điều đó có nghĩa gì, ông ta giải thích: Một số người vì muốn giàu có nên đã cầu nguyện cùng ma quỉ và “Bán linh hồn của họ cho nó” để đổi lấy của cải và sự thịnh vượng, người tín đồ kể rằng khi những người đó cầu nguyện với quỉ thì ma quỉ cũng hiện ra. Và thật họ đã được giàu có. Nhưng thông thường vào những năm giữa cuộc đời, ở độ tuổi bốn lăm, ma quỉ đã hiện ra và đòi cái họ đã bán: Linh hồn của họ. Nhiều người chứng kiến cái chết của những người đó nói rằng họ khóc lóc kêu gào nhiều năm để xin được tha khỏi sự trừng phạt của địa ngục. Thân thể họ bị sình to ra do những con sâu bọ (con trùng) ở bên trong và họ chết rất đau đớn, giống như Hêrốt đã chết: “Bị trùng đục mà chết” (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:23). Đó là phần thưởng cho những kẻ hầu việc Mamôn.

C. HÃY COI CHỪNG LÒNG THAM TIỀN BẠC

Tiền bạc rất cần thiết. Chúng ta dùng nó để mua những vật dụng có cần cho cuộc sống. Nhiều người đã phải chịu đói khát, bệnh tật bởi vì không có tiền bạc. Sự nghèo đói không phải là một phước hạnh mà là một sự rủa sả. Nhưng mặt khác, những người có tiền bạc vượt quá nhu cầu của họ thường tham lam và đôi khi là nguyên nhân gây nên sự đau khổ của những người nghèo. Tiền bạc tự bản thân nó không gây nên điều ác, nhưng chính vì cách sử dụng tiền bạc mà gây nên điều ác. Chính lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Sự nguy hiểm không nằm trong tiền bạc, nhưng nó nằm trong lòng tham tiền bạc.

1. Yêu Điều Gì Chúng Ta Sẽ Vâng Theo Điều Ấy

Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta sẽ vâng theo bất cứ điều gì mà chúng ta yêu (Giăng 14:15). Nếu chúng ta yêu Ngài, chúng ta sẽ vâng giữ các mạng lịnh của Ngài; nếu chúng ta yêu bản thân chúng ta, chúng ta sẽ vâng theo những ham muốn xác thịt và sử dụng tiền bạc cho bản thân chúng ta thôi. Tình yêu của chúng ta sẽ chi phối các quyết định của chúng ta. Rôma 6:16 chép: “Anh em... là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc sự vâng phục để được nên công bình”. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về điều này như sau: chúng ta không chỉ vâng phục đối tượng chúng ta yêu, nhưng còn là tôi mọi cho bất cứ ai, bất cứ điều gì mà chúng ta yêu mến nữa.

2. Ma-Môn Kiểm Soát Tiền Bạc

Chúng ta hãy xem tất cả điều này có nghĩa gì. Tiền bạc trong thời đại gian ác này nằm dưới sự kiểm soát của một thế lực tối tăm mà Chúa Jêsus gọi là Mamôn. Nếu chúng ta yêu mến tiền bạc, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì mà tiền bạc ra lệnh cho chúng ta làm. Nếu chúng ta cứ tiếp tục vâng theo, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của một thế lực gian ác và ở dưới sự kiểm soát của nó. Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi một người yêu mến tiền bạc là người có thể làm mọi điều ác, khi một người yêu mến tiền bạc, anh ta bắt đầu vâng theo mệnh lệnh của thế lực gian ác qua xác thịt của anh ta. Đây là lý do tại sao lòng yêu mến tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác.

Vài năm trước đây một người Truyền đạo bỏ vợ mình để lấy một phụ nữ khác đã có chồng trong Hội Thánh của ông. Một người bạn của tôi, ông có ân tứ tiên tri, đã khóc lóc cầu thay cho người lãnh đạo Hội Thánh sa ngã này. Ông cầu nguyện: “Chúa ơi tại sao Andrew (không phải tên thật) đã sa vào tội ngoại tình?” Chúa trả lời: “Andrew yêu mến tiền bạc. Lòng yêu mến tiền bạc giống như một chiếc rễ đâm sâu xuống cống rãnh tội lỗi và hút lên mọi thứ gian ác xấu xa vào đời sống. Đó là điều đã xảy ra cho Andrew”. Sứ Đồ Phao lô cảnh cáo: “Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. “Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Timôthê 6:9,10).

3. Bạn Không Thể Vừa Yêu Đức Chúa Trời Vừa Yêu Tiền Bạc

Không có gì đáng ngạc nhiên khi quyền năng thuộc linh chân thật dường như thường xung khắc với sự giàu có. Chúa Jêsus phán: “Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào” (Mác 10:23). “Bấy giờ có một quan hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: ‘Thưa thầy nhơn lành, tôi phải làm gì cho được hưởng sự sống đời đời?" Đức Chúa Jêsus phán rằng: ‘Sao người gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Đâng nhơn lành là Đức Chúa Trời". “Ngươi đã biết điều răn này: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ nói chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ". ‘Người ấy thưa rằng: ‘Tôi đã giữ các điều ấy từ thuở nhỏ’. “Đức Chúa Jêsus nghe vậy bèn phán rằng: ‘Còn thiếu cho ngươi một điều; hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời, bấy giờ hãy đến mà theo ta” (Luca 18:18-22).

Nhưng khi vị quan nghe đến đây, thì hết sức buồn rầu, bởi vì anh ta rất giàu có. Có lẽ anh đã phải bươn chải cả cuộc đời để được giàu có. Được trở nên giàu có là điều ám ảnh anh nhiều nhất. Bây giờ Chúa Jêsus lại bảo anh rằng muốn vào nước Đức Chúa Trời và hưởng sự sống đời đời thì anh phải: “Bán hết gia tài và chia cho kẻ nghèo” rồi theo Ngài. Người trai trẻ này buồn bã vì anh ta yêu tiền bạc của mình hơn là yêu Chúa Jêsus. Anh ta đã nghĩ rằng anh có thể vừa yêu Chúa Jêsus vừa yêu tiền bạc của mình. Bây giờ anh ta biết rằng anh ta không thể có cả hai cùng một lúc được.

4. Sự Tham Lam Là Sự Thờ Hình Tượng

“Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam tức là thờ hình tượng. Bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng xuống..." (Côlôse 3:5). Chúng ta thường nghĩ rằng thờ hình tượng là cúi xuống trước một bức tượng hoặc một bức ảnh nào đó. Nhưng nó còn hơn thế nữa. Môise đã nói về sự thờ hình tượng của dân Ysơraên rằng: “Tế lễ những ma quỉ chẳng phải là Đức Chúa Trời, quỳ lạy các thần mà mình chưa hề biết, tức là các thần mới vừa đến ít lâu” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:17). Khi một người sấp mình xuống trước một pho tượng và thờ lạy, đó là thờ lạy ma quỉ ẩn nấp trong tượng chạm đó. Đây là lý do tại sao tội thờ hình tượng là một tội gớm ghiếc và cơn giận của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống cách kinh khiếp. PhaoLô nói rằng sự tham lam, lòng yêu mến tiền bạc và sự thờ hình tượng đều giống nhau. Khi chúng ta yêu mến tiền bạc, chúng ta sẽ thờ phượng nó và ma quỉ ẩn nấp đằng sau nó. Danh hiệu Mamôn thường dùng để chỉ về tiền bạc hoặc sự giàu có. Một người cứ yêu mến tiền bạc sẽ vâng theo tất cả mọi mệnh lệnh của một quyền lực siêu nhiên, gian ác đang cai trị trên tiền bạc. Liên quan đến tiền bạc cách bất chánh là điều gây nên sự nguy hiểm cho một người lãnh đạo Cơ Đốc, nhưng không phải có tiền là tội. Nói cách khác, làm mọi cách để có tiền là một tội.

5. Tiền Bạc Có Thể Là Một Phước Hạnh

Đức Chúa Trời chúc phước cho dân sự của Ngài bằng tiền bạc, Ngài thường ban cho họ của cải dư dật để họ làm trọn mục đích của Ngài trên đất này. Khi con cái Ysơraên ra khỏi Aicập, họ đã đem theo hầu hết vàng bạc của xứ. Sau mười tai vạ, người Aicập đã vô cùng nóng lòng muốn được nhìn thấy dân Ysơraên ra đi và họ đã cho “những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống” (Xuất Êdíptôký 12:35). “Ngài dẫn Ysơraên ra có cầm bạc và vàng” (Thi Thiên 105:37).

a. Môise

Môise đã xây dựng một đền tạm trong đồng vắng đáng giá hàng triệu Đôla. Những người Ysơraên đã tình nguyện dâng hiến một cách tự ý cho việc xây dựng này. Đây là một ví dụ hoàn hảo về cách thế nào Đức Chúa Trời dùng tiền bạc trong chương trình của Ngài. Ngài ban tiền bạc cho dân sự Ngài để họ có thể dùng nó trong các mục đích của Ngài. Đức Chúa Trời cũng dấy lên những con người và làm cho họ trở nên giàu có. Gióp là một người rất giàu. Ông có: “Bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều; người ấy lớn hơn hết (giàu có hơn hết) trong cả dân Đông phương” (Gióp 1:3).

b. Ápraham

Ápraham được mọi người biết đến sự thạnh vượng của ông trong thời đó. Thậm chí ông còn có cả quân đội riêng.

c. Đavít và Salômôn

Không ai có nhiều của cải hơn Đavít và con trai của ông là Salômôn. Của cải của Salômôn được tính đến hàng triệu Đôla. Ngài ban cho họ sự giàu có như vậy để họ dùng nó xây dựng đất nước. Của cải phục vụ họ chứ họ không phục vụ của cải. Họ dùng nó trong các mục đích của Đức Chúa Trời, không dùng nó trong những mục đích riêng của họ. Tuy nhiên Salômôn đã ngã trong những ngày cuối đời ông do những người vợ của ông.

6. Những Câu Hỏi Quan Trọng

Mối liên hệ của bạn với tiền bạc như thế nào? Bạn có tiền hay là tiền có bạn? Bạn hay là Chúa quyết định cách bạn sử dụng tiền bạc? Số lượng tiền bạn có trong nhà có ảnh hưởng đến hạnh phúc... cách sống của bạn không? Bạn sử dụng tiền bạc của mình như thế nào? Có phải bạn chỉ rộng rãi với Chúa khi bạn dư thừa? Nếu bạn không có tiền bạn có luôn luôn suy nghĩ và mơ ước có nhiều hơn không? Có phải lòng ham muốn tiền bạc đang kiểm soát bạn? Mặc dù những câu hỏi này làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, nhưng nó giúp chúng ta nhận thấy được mối liên hệ của chúng ta đối với tiền bạc. Điều này đặc biệt chính xác đối với những người đang chăn bầy của Đức Chúa Trời. Bạn có nhận thấy rằng sự tham lam, lòng yêu mến tiền bạc là nguyên nhân gây nên sự sa ngã của nhiều người lãnh đạo không? Lòng yêu mến tiền bạc là một trong ba tội thường gây nên sự sa ngã của những người lãnh đạo nhất. (1: Những người nữ, 2: Danh vọng, 3: Tiền bạc).

7. Của Cải Có Thể Là Điều Nguy Hiểm

Tiền bạc có thể sanh ra tội lỗi khi chúng ta thất bại trong việc quản trị mối liên hệ của chúng ta với nó.

a. Sanh Ra Tội Lỗi Và Những Sự Yếu Đuối

PhaoLô nói về luật công bình của Đức Chúa Trời rằng: “Vì nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham lam, thì tôi đã không biết sự tham lam.” “Ấy là tội lỗi đã nhơn dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong lòng tôi.” (Rôma 7:7, 8). Đối với tiền bạc cũng vậy. PhaoLô đã nhận thấy rằng những điều răn tốt lành và công bình của luật pháp đã sanh ra (đánh thức) tội lỗi trong ông. Tiền bạc tự bản thân nó không xấu, nhưng khi chúng ta có tiền bạc, thì khả năng đánh thức lòng tham lam, sự ích kỷ và những ham muốn khác trở nên mạnh mẽ. Khi Chúa bắt đầu chúc phước cho một người lãnh đạo Hội Thánh, người đó sẽ phục vụ trong quyền năng và ân điển của Đức Chúa Trời. Phước hạnh nầy luôn luôn mang lại kết quả là nguồn tài chánh cứ tiếp tục đổ vào Hội Thánh. Trong khi phước hạnh cứ tiếp tục tuôn đổ vào Hội Thánh, bản chất tội lỗi của người lãnh đạo Hội Thánh này có thể được đánh thức, người đó có thể bắt đầu tham lam và sử dụng tiền bạc của Chúa cách sai trật. Tiền bạc được ban bây giờ trở thành một sự cám dỗ của ma quỉ và phá đi chức vụ cũng như chính ông.

b. Bộc Lộ Sự Ích Kỷ

Bạn có thể hỏi: “Nhưng làm sao tôi biết tôi có gặp rắc rối với số tiền lớn hay không, khi tôi chưa cầm tiền ấy trong tay”. Tôi có thể trả lời rằng: Cách một người dùng một đôla như thế nào thì cũng sẽ dùng một ngàn đôla theo cách ấy. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn” (Luca 16:10). Cách bạn sử dụng một số tiền nhỏ sẽ tỏ ra cách bạn sử dụng một số tiền lớn.

Vào năm 1950, khi tôi đang được huấn luyện để trở thành một người truyền đạo. Tôi dọn vào ở trong một ký túc xá ở “Trại huấn luyện những người truyền đạo mới tuyển” (nơi đó được gọi như vậy). Chúng tôi có cả thảy mười bảy người. Để tiện cho việc ăn uống trong tuần, mỗi người chúng tôi được đề nghị đóng góp ba đôla mỗi tuần làm “tiền ăn”. Như vậy mỗi tuần được năm mươi đôla để mua thức ăn cho mười bảy học sinh. Sau một tuần đầu, chỉ còn ba chúng tôi trung tín đóng tiền để mua thức ăn trong số mười bảy người. Những người khác viện cớ rằng họ không thể tiếp tục đóng được nữa. Tôi thực sự bối rối bởi vì tuần đó là phiên tôi phải lo cho mười bảy người ăn. Trong năm đó, Chúa đã cung cấp cho chúng tôi một cách kỳ diệu. Chúng tôi có một số tiền lớn để chia nhau. Hầu hết các học sinh đã đi xuống phố và mua về nào máy chụp ảnh, nào Radio và cả súng nữa. Họ bào chữa rằng những thứ đó cần thiết cho họ khi trở thành người truyền đạo. Nhưng bạn biết không, khi trở lại với việc học hành và ký túc xá, cũng không ai chịu nộp tiền vào “quỹ thức ăn”. Chỉ có ba trong số mười bảy người đó tiếp tục và sau này trở thành truyền đạo. Tôi chắc rằng bạn đã biết đó là ai. Mặc dù họ có thể tự thuyết phục chính mình rằng lý do họ mua những máy chụp ảnh, súng là tốt, nhưng điều đó lại chứng tỏ lòng ích kỷ của họ, và một con người ích kỷ sẽ không bao giờ là một người truyền đạo tốt được. 

8. Ba Nhược Điểm Cần Canh Chừng

Sau đây là ba nhược điểm thường cho chúng ta biết nếu chúng ta đang ở trong tình trạng yêu mến tiền bạc: • Ích kỷ • Một người quản lý tồi • Không dâng hiến cho Đức Chúa Trời

a. Ích Kỷ

Có những Mục sư đã dùng tiền bạc của Chúa để mua nhà cửa, xe cộ không cần thiết. Họ thường biện minh: “Chúng tôi sẽ sử dụng cho công việc Chúa”. Họ có cùng một ý nghĩ ích kỷ, trẻ con như những người trong ký túc xá trên. Dùng một trăm đôla để mua một chiếc máy ảnh hoặc mười ngàn đôla để mua một ngôi nhà đều như nhau, chỉ khác số lượng tiền mà thôi. Họ thích mua chiếc máy chụp ảnh hơn là đóng “tiền ăn”. Những ai trung tín trong việc nhỏ, cũng sẽ trung tín trong việc lớn, và ai không trung tín trong việc nhỏ cũng sẽ không trung tín trong việc lớn. Bạn có muốn xem cách bạn sử dụng một số tiền lớn mà Chúa sẽ cho bạn không? Hãy nhìn vào cách bạn đang sử dụng tiền bạc. Nếu bạn đang ích kỷ với số tiền đó, bạn cũng sẽ ích kỷ khi có một triệu Đôla. Trừ phi bạn ăn năn, bằng không tiền bạc sẽ luôn luôn là nan đề cho bạn, cho dù nó nhiều hoặc ít.

b. Một Người Quản Gia Tồi 

Cách thứ hai giúp chúng ta biết được mình đang ở trong tình trạng yêu mến tiền bạc là việc chúng ta thất bại không nhận ra rằng mình đang sở hữu những điều không thuộc về mình. Một đặc điểm của Hội Thánh đầu tiên là “chẳng ai kể của mình là của riêng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32). Những gì chúng ta có đều là của Chúa và chúng ta chỉ là người quản lý. “Cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành” (I Côrinhtô 4:2). Một ngày kia chúng ta sẽ khai trình cách mà chúng ta đã sử dụng tất cả những gì Ngài đã giao cho chúng ta: Không chỉ tiền bạc, nhưng còn là những talâng, thì giờ và những mối liên hệ của chúng ta, tất cả đều phải đến dưới sự kiểm tra của Lời Chúa. Khi đó sự biện minh của chúng ta sẽ không có sức thuyết phục đối với chúng ta cũng như đối với Chúa. Không cần phải cố gắng lắm khi chúng ta tự thuyết phục chính mình rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta sử dụng tiền bạc chúng ta theo cách mà bản tính ích kỷ, xác thịt chúng ta muốn sử dụng. Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta sẽ phải nhìn vào đôi mắt nghiêm khắc của Ngài và phải khai trình cùng Ngài, những lời biện hộ của chúng ta dường như yếu đi. Chúng ta dễ suy nghĩ rằng những điều chúng ta muốn là những điều chúng ta cần và mất đi khả năng nhìn thấy chỗ khác nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta trong vấn đề này.

c. Không Dâng Hiến Cho Đức Chúa Trời

Cuối cùng, đây là bằng chứng về lòng tham tiền bạc nếu chúng ta thất bại trong việc học biết về sự siêng năng và kỷ luật của việc dâng hiến. Trung tín dâng phần mười và các của dâng không phải là một sự tùy chọn trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Nếu bạn chưa dâng phần mười, hãy bắt đầu ngay bây giờ. Một phần mười của tất cả những gì bạn nhận được đều thuộc về Đức Chúa Trời. Hãy siêng năng vì thất bại trong vấn đề này là bạn đang ăn trộm của Đức Chúa Trời (Malachi 3:8-10). Ngài không bao giờ ban phước cho “những tên trộm” trong chức vụ. Chúng ta thường nghĩ: “Tôi có rất ít tiền, nhưng lại có quá nhiều nhu cầu: Tôi không thể dâng phần mười”. Sự thật là chúng ta không thể không dâng một phần mười. Theo 3:9 câu hỏi sẽ là: “Ta có muốn bị rủa sả trên một trăm phần trăm lợi tức của ta hoặc được chúc phước với chín mươi phần trăm?” Một khi chúng ta đã bắt đầu dâng một phần mười chúng ta sẽ bắt đầu nhận lãnh. Chúa Jêsus phán: “Hãy cho, người sẽ cho mình; Họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy” (Luca 6:38).

Chúa Jêsus đã đưa ra một nguyên tắc hết sức quan trọng trong việc dâng hiến. Nếu bạn dùng chiếc muỗng cà phê để dâng hiến vào công việc Chúa, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho bạn bằng chiếc muỗng cà phê. Nếu bạn dùng chiếc tách dâng hiến vào công việc Chúa, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho bạn bằng chiếc tách. Nếu bạn dùng cái xô để dâng hiến cho công việc Chúa, Đức Chúa Trời cũng sẽ dùng cái xô để ban phước cho bạn. “Vì các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy”. Vài năm trước đây khi tôi ở Papua New Guinea, tôi thách thức những lãnh đạo ở đó dạy dỗ cho các tín hữu biết dâng phần mười và các của dâng. Họ nói rằng, “Ô! Tín hữu ở đây nghèo lắm không dâng nổi đâu.” Papua New Guinea không phải là một trong những nơi giàu có nhất thế giới nhưng cũng là nơi giàu có hơn nhiều nơi khác. Tôi không thấy ai đói như những quốc gia khác. Mọi người đều ăn mặc đẹp đẽ và trông rất khỏe mạnh. Tôi nói với những người lãnh đạo ở đó: “Vấn đề không phải là nghèo vật chất. Đó là sự nghèo nàn tâm linh. Tín hữu ở đây cũng giống như những người lãnh đạo của họ. Các anh không có đức tin để dâng hiến, vì vậy họ cũng không có đức tin để dâng hiến.”

Chương 8b TỪ BỎ SỰ THAM LAM / SỰ THỜ HÌNH TƯỢNG

D. DÂNG HIẾN:

MỘT NGUỒN PHƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI Dâng hiến phụ thuộc vào đức tin, không phụ thuộc vào những gì chúng ta có. Sau đây là một nguyên tắc thuộc linh được dùng như một ví dụ mà bạn sẽ không đồng ý trừ khi bạn có đức tin. Sau khi bạn đã dâng một đôla phần mười trong số mười đôla lợi tức của bạn, với sự chúc phước của Đức Chúa Trời trên chín đôla còn lại, sẽ thỏa mãn cho các nhu cầu của bạn hơn là mười đôla không có sự chúc phước của Đức Chúa Trời. (Bạn hãy đọc lại một lần nữa). Không có một giáo viên dạy toán nào trên thế giới (Trừ phi ông ta là một Cơ đốc nhân biết dâng phần mười) sẽ đồng ý với nguyên tắc này. Sự hiểu biết tự nhiên của con người sẽ là: “Mười đôla sẽ cung cấp cho bạn nhiều hơn chín đôla”. Điều đó đúng trừ phi phép lạ của Chúa ở trên chín đôla còn lại. (Nếu bạn dâng phần mười thường xuyên điều này sẽ là sự thật). Khi đứa bé trai trong Kinh Thánh dâng cho Chúa một của lễ đức tin là năm cái bánh và hai con cá, đó là tất cả những gì nó có (Giăng 6:9). Điều gì đã xảy ra cho đứa trẻ đó? Nó có đói không? Không. Chúa Jêsus dã dùng của dâng hiến đó cho năm ngàn người ăn, kể cả đứa trẻ, và còn dư đến mười hai giỏ đầy. Đứa trẻ nhỏ đã dâng năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá rồi nhận lại mười hai giỏ đầy cá và bánh. Đây là cách mà Đức Chúa Trời gia tăng phước hạnh và của cải cho người dâng hiến. Tôi đã giải thích những nguyên tắc quan trọng này cho những người lãnh đạo Hội Thánh ở Papue New Guinea. Rồi tôi hỏi tôi có thể giảng về sự dâng hiến trong một buổi nhóm, sau giờ dâng hiến được không. Họ đồng ý. Họ lãnh tiền dâng hiến và và được khoảng hai trăm đôla do khoảng hơn hai trăm tín đồ đang hiện diện.

1. Đức Tin Và Sự Dâng Hiến

Tôi bắt đầu giải thích cho họ rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng hiến bởi vì Ngài muốn ban phước cho chúng ta. Ngài không nghèo, Ngài không cần tiền của chúng ta. Nhưng, chúng ta cần những phước hạnh của Ngài. “Không có đức tin thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin...” (Hêbơrơ 11:6). Chúng ta sẽ không bao giờ có được phước hạnh của Đức Chúa Trời nếu không có đức tin. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta dâng hiến để dạy chúng ta về đức tin. Dâng hiến đòi hỏi đức tin. Vì vậy khi chúng ta dâng hiến, chúng ta đang luyện tập đức tin. Điều này làm đẹp lòng Đức Chúa Trời vì vậy Ngài ban phước cho chúng ta. Nếu bạn không cần những phước hạnh của Ngài, nếu bạn không muốn những phước hạnh của Ngài, đừng dâng hiến. Hãy giữ lại tiền của các bạn, và sự rủa sả cho sự vô tín sẽ giáng trên bạn. Nhưng bạn có thể dâng hiến tiền bạc của mình cho Ngài rồi xem Ngài: ”...mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (Malachi 3:10).

a. Tiền dâng

Sau khi giảng xong sứ điệp, tôi hỏi: “Nếu như sáng nay tôi giảng về sứ điệp cứu rỗi các bạn mong đợi tôi sẽ làm gì tiếp theo?”. Họ đáp: “Ông sẽ cầu nguyện cho những người muốn được cứu rỗi”. Tôi hỏi tiếp: “Nếu sáng nay tôi đã giảng về sự chữa bịnh, các bạn mong đợi tôi sẽ làm gì tiếp theo?” Họ đáp: “Ông sẽ cầu nguyện cho họ được chữa lành”. Tôi hỏi một lần nữa: “Sáng hôm nay tôi đã giảng về sự dâng hiến, bây giờ tôi phải làm gì?”. Họ trả lời: “Hãy lấy tiền dâng”. Và tôi đã làm như vậy. Khi đếm, có cả thảy một ngàn hai trăm đôla được dâng, sáu lần nhiều hơn số tiền đã dâng lúc đầu. Và được dâng từ những người nghèo ở Papua New Guinea. Tôi nói với những người lãnh đạo: “Bạn thấy chưa! Lý do họ chưa dâng hiến là họ đang chờ đợi bạn dạy họ lời của Đức Chúa Trời. “Đức tin đến bởi sự người ta nghe... Lời của Đức Chúa Trời” (Rôma 10:17). Khi có đức tin, họ sẽ dâng”. Tôi cũng lặp lại điều này trong một Hội Thánh khác ở một vùng nông thôn và những người lãnh đạo ở đó sẽ hết sức ngạc nhiên vì số tiền dâng rất nhiều do những tín đồ dâng trong đức tin.

b. Dâng hai phần mười

Đức Chúa Trời đã thách thức tôi dâng gấp đôi tiền phần mười (Hai mươi phần trăm tiền lợi tức cá nhân của tôi) khi tôi chỉ nhận lương của người truyền đạo là mười đôla mỗi tuần. Qua kinh nghiệm này tôi đã học được nguyên tắc mà tôi đã chia xẻ cho các bạn. Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa của Ngài với tôi. Ngài đã ban phước cho tôi, gia đình tôi và chức vụ của tôi với rất nhiều phép lạ trong sự quan phòng của Ngài, tôi không thể đếm hết được.

2. Giá Trị Sự Dâng Hiến Của Chúng Ta

Người dâng hiến vĩ đại nhất trong Kinh Thánh là người đàn bà góa đã dâng hai đồng tiền (khoảng một đồng xu Anh), là tất cả số tiền bà có. Chúa Jêsus phán: ”...Bà góa nghèo này đã dâng nhiều hơn tất cả các người kia” (Luca 21:3). Đức Chúa Trời đánh giá sự dâng hiến của chúng ta bởi những gì chúng ta còn giữ lại, chứ không theo những gì chúng ta đặt vào của dâng. Tôi đã từng thấy nhiều người lãnh đạo Hội Thánh muốn tín đồ dâng hiến để cung cấp cho họ và Hội Thánh. Nhưng họ không bao giờ dâng phần mười và các của dâng gì cả. Họ phàn nàn rằng số tiền quá ít ỏi. Không có gì đáng ngạc nhiên cả! Họ sẽ không bao giờ nhận được những phước hạnh đã được hứa cho người dâng hiến cho đến khi họ thực hành những điều họ giảng. Sự tham lam sẽ dễ dàng đuổi kịp chúng ta nếu chúng ta không học nguyên tắc quan trọng này: “Hãy cho thì các ngươi sẽ được ban cho”. Nếu chúng ta kiếm cách giữ sự sống mình thì sẽ mất (Luca 17:33), và nếu chúng ta cũng cố gắng giữ tiền bạc của chúng ta lại thì nó cũng sẽ hết. Khi ban cho, dâng hiến những gì mình có chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự ban cho của Đức Chúa Trời hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng. Nhiều người trong chúng ta có rất ít bởi vì chúng ta không rộng rãi với những gì chúng ta có, Chúa Jêsus phán: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được ban cho”. Không có cách nào tốt hơn để chúng ta thoát khỏi sự tham lam bằng cách học tập rộng rãi với những gì chúng ta đang có.

3. Những Nguyên Tắc Trong Vương Quốc Của Đức Chúa Trời

Thái độ của chúng ta đối với tiền bạc rất quan trọng. Nếu chúng ta trung tín học hỏi và nghiên cứu các nguyên tắc kinh tế trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thấy những nan đề của chúng ta trong vấn đề tiền bạc tan biến dần.

a. Tất Cả Tiền Bạc Là Của Đức Chúa Trời

“Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 24:1; 20:12). “Bạc là của ta, vàng là của ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Aghê 2:8). Ngay cả tiền bạc mà những tội nhân có cũng thuộc về Đức Chúa Trời, và một ngày kia nó sẽ được ban cho dân sự của Ngài (Aghê 2:8; Châm Ngôn 13:22; 28:8). Trong thế giới tội lỗi hư hoại này, những kẻ gian ác đang kiểm soát hết thảy mọi của cải bởi vì nó đang nằm dưới những thế lực siêu nhiên xấu xa. Nhưng một ngày kia Đức Chúa Trời chỉ phán một lời và mọi của cải đều được đổ vào vương quốc của Ngài.

b. Đức Chúa Trời Ban Tiền Bạc

Chúa hứa rằng Ngài sẽ chăm sóc cho các con cái Ngài, ban cho họ thức ăn, quần áo, nhà cửa và mọi nhu cầu khác trong cuộc sống. Chúng ta làm việc như là phục sự Chúa. Đức Chúa Trời trả lương cho chúng ta qua nghề nghiệp mà chúng ta đang có. Đức Chúa Trời ban tiền bạc cho chúng ta để chúng ta hoàn thành mục đích của Ngài trên đất này. Chúng ta phải dùng sự khôn ngoan của một người quản gia giỏi mà sử dụng nó. Chúng ta thường làm trái lại: Ngài muốn chúng ta sử dụng tiền bạc và yêu mọi người, nhưng chúng ta thường yêu tiền bạc và sử dụng mọi người. Bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu vâng phục sự hướng dẫn của Chúa, sử dụng tiền bạc Ngài trao vào tay chúng ta? Nếu tất cả các Cơ Đốc nhân đều siêng năng làm việc, rồi kiếm được tiền để thực hành sự rộng rãi với nhau, thì sẽ không bao giờ có sự thiếu thốn trong vòng các con cái Chúa ở bất cứ nơi nào!

c. Hoặc Đức Chúa Trời Hoặc Lòng Yêu Mến Tiền Bạc Của Chúng Ta Sẽ Quyết Định Cách Sống Của Chúng Ta

Một số nhà truyền đạo giảng chỉ để nhận lương. Chúa Jêsus gọi họ là “kẻ chăn thuê” (Giăng 10:1-41). Một “kẻ làm thuê” chỉ làm những gì anh ta được trả tiền. Anh ta không thật sự lo lắng cho bầy chiên, anh ta chỉ lo về tiền bạc. Không có gì trái đạo đức hơn. Không có gì bại hoại hơn những “chiến thuật” như thế. Nhưng nó lại rất phổ biến. Những “kẻ chăn thuê” và “kẻ thuê” như thế sớm bị phát hiện bởi vì họ đều có dấu của con thú: “Người nào không có dấu... con thú... thì không thể mua (thuê) và bán (chăn thuê) được. (Khải Huyền 13:17). Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán... linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú... chẳng nhận dấu hiệu nó... Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ một ngàn năm” (Khải Huyền 20:4).

1) Không Còn Những Kẻ Chăn Thuê

Sẽ không có kẻ thuê hoặc kẻ chăn thuê trong nhóm người thánh đang cai trị. Những “thương gia” tôn giáo này sẽ ở trong sự chết cho đến khi thời kỳ một ngàn năm chấm dứt. Lúc đó họ sẽ sống lại để tính sổ với Ngài “Đấng xét đoán kẻ sống và kẻ chết”. PhaoLô hỏi: “Ai có đủ khả năng để rao giảng phúc âm?” Rồi ông trả lời: “Chỉ những người được Đức Chúa Trời sai đến, giảng lời chân thật của Ngài trong Chúa Jêsus Christ”. “Được Thượng Đế uỷ thác, chúng tôi chân thành truyền giảng đạo Chúa trước mặt Ngài, không như nhiều người “thương mãi hóa” đạo Chúa để trục lợi” (II Côrinhtô 2:17 bản nhuận chánh). Rất nhiều người “buôn bán” Lời của Đức Chúa Trời. Tiên tri Xachari đã nói tiên tri về một ngày vinh quang khi: “Mọi nồi ở trong Giêrusalem và trong Giuđa sẽ là thánh cho Đức Giê-hô-va vạn quân; phàm những kẻ dâng tế lễ sẽ đến, lấy nồi mà nấu, và trong ngày đó, sẽ không còn có người Canaan (những người buôn bán) trong nhà Đức Giê-hô-va vạn quân” (Xachari 14:21). Những thầy tế lễ bại hoại trong thời của Xachari đã “hợp tác” với những thương gia để bán những súc vật dùng làm của lễ và những cái chậu để dâng của lễ trong đền thờ. Những thầy tế lễ bại hoại này sẽ được nhận “phần trăm” trong những vụ mua bán đó. Xachari đã mắng nhiếc những kẻ buôn bán như vậy (năm thế kỷ sau, Chúa Jêsus cũng đã mắng nhiếc những kẻ buôn bán trong đền thờ như vậy). Đức Chúa Jêsus đã nổi giận với những kẻ “buôn bán trong đền thờ”, Ngài đã dùng roi đuổi họ ra khỏi đó. “Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện... nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp” (Mác 11:17). Vào lúc bắt đầu cũng như khi chấm dứt chức vụ, Chúa Jêsus đã dọn sạch đền thờ bằng cách đánh đuổi những kẻ “buôn bán” ra khỏi đó. Trong thời các sứ đồ, Chúa cũng đã xử phạt cách nghiêm khắc những kẻ này (Anania và Shaphiara - Công Vụ Các Sứ Đồ 5). Tôi chờ xem sự phán xét của Ngài đổ xuống trên những kẻ “buôn bán” trong những ngày cuối rốt này. Vì vậy, hỡi những người lãnh đạo - HÃY CẨN THẬN - “Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:30). Hỡi các lãnh đạo Hội Thánh địa phương và các giáo sĩ, đừng bán ân tứ của các anh em cho ai, cho dù họ có tự ý trả tiền bạc cho anh em. Một đầy tớ chân chính của Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn nói cùng những kẻ “thuê mướn” rằng: “tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:20).

2) Trước Hết Hãy Tìm Kiếm Nước Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc bạn nếu bạn: “Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa (những điều bạn cần )” (Mathiơ 6:33). Người làm công thì đáng được hưởng tiền công mình, nhưng đừng bao giờ trở thành kẻ chăn thuê. Một người chăn thật sẽ phó sự sống mình cho bầy. Nhưng kẻ chăn thuê khi nhìn thấy muôn sói đến thì bỏ chiên chạy trốn (Xem Giăng 10:12-13). Điều này không chỉ riêng cho những người lãnh đạo Hội Thánh. Nhiều Cơ Đốc Nhân, không phải là người lãnh đạo Hội Thánh, đã chọn nơi họ sống và việc họ làm chỉ bởi số tiền đã đem đến cho họ. Họ không “Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời” cũng như ý muốn của Ngài trong những vấn đề này. Chúa Jêsus bảo đó là lối sống của người ngoại đạo. Đó là tội lỗi. Nếu bạn đang sống như vậy, bạn sẽ lạc mất ý muốn của Đức Chúa Trời.

4. Đức Chúa Trời Rất Muốn Ban Phước Cho Chúng Ta

Chúa Jêsus phán rằng nếu trước hết chúng ta tìm kiếm nước của Ngài, Ngài sẽ cho thêm mọi điều ấy nữa. Có thể Ngài sẽ thử nghiệm chúng ta, nhưng Ngài sẽ ban phước cho những ai đặt Ngài và nước của Ngài trước hết trong đời sống của họ. Đức Chúa Trời muốn rằng chúng ta được thịnh vượng trong mọi mặt của cuộc sống (III Giăng: 2). Tuy nhiên chúng ta thường ngăn cản sự thịnh vượng này bằng cách vi phạm sự quản lý tiền bạc. Một trong những nguyên nhân mà một số người vẫn còn túng thiếu và nghèo khổ là họ không biết dâng hiến cho công việc Chúa, sợ rằng họ sẽ còn nghèo hơn nếu họ dâng hiến cho sự truyền giảng phúc âm. Chỉ có sự xử dụng tiền bạc theo ý muốn Đức Chúa Trời mới đem lại sự rộng rãi tài chánh.

a. Thực Hành Những Nguyên Tắc Của Vương Quốc

Mặt khác, những người lãnh đạo Hội Thánh trong một số nước nghèo nhất thế giới vẫn đang hưởng được phước hạnh về mặt tài chánh mà Đức Chúa Trời ban cho họ và các tín hữu trong Hội Thánh của họ. Tại sao? Bởi vì họ thực hành những nguyên tắc trên, dâng hiến cho công việc Chúa cách vui lòng. Muốn đạt được điều này, trước hết hãy bắt đầu dâng phần mười cho những Hội Thánh địa phương và cho quỹ truyền giáo. Nếu Hội Thánh bạn chưa có dịp cho tín hữu dâng hiến, hãy bắt đầu. Hãy thay đổi cách cầu nguyện ích kỷ của chỉ riêng cho bản thân bạn nhưng hãy bắt đầu cầu nguyện để Đức Chúa Trời ban phước cho những người khác. Phải chăng đây là điều thánh Giacơ đã nói: “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Giacơ 4:3). Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ nhận lời cầu nguyện ban thêm tiền bạc cho chúng ta nếu chúng ta chỉ muốn dùng riêng cho bản thân mình. Ngài chỉ ban cho chúng ta sự dư dật khi biết rằng chúng ta ăn năn từ bỏ sự ích kỷ và trở thành những con người dâng hiến.

E. KẾT LUẬN

Tham lam là thờ hình tượng, bởi vì chúng ta bị lòng tham cai trị, chúng ta chỉ phục vụ cho những đòi hỏi cá nhân của mình trước tiên, vâng theo những mệnh lệnh của xác thịt chúng ta hơn là sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Tham lam là một đường lối tinh vi của việc đặt điều gì đó lên trên Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đặt những lợi riêng của mình trước những ích lợi của Đức Chúa Trời và của những người khác, và vô tình đã trở thành nô lệ cho mamôn: Chúng ta tham lam theo mức độ chúng ta để lòng yêu mến tiền bạc cai trị chúng ta. Lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Khi để tiền bạc hướng dẫn, chúng ta sẽ từ chối lắng nghe tiếng Chúa trước tiên. Nếu Đức Chúa Trời không phải là Đấng dạy dỗ chúng ta cách quản lý tiền bạc, thì Satan sẽ làm công việc đó. Nền kinh tế trên thế giới này được đặt nền tảng trên lòng tham lam. Nếu không nói là tất cả, thì hầu hết các cuộc chiến đều dựa trên lòng tham lam của các dân tộc. Hầu hết những hậu quả của tội ác đều đến từ việc người này muốn làm thỏa mãn lòng tham của mình bằng của cải của người khác. Những nhóm người chính trong dân số thế giới đều được chia ra theo mức độ thành đạt của họ trong nền kinh tế. Nhưng Cơ Đốc Nhân được tự do khỏi sự kiểm soát về kinh tế của thế giới này khi họ trung tín bước đi theo những nguyên tắc về tài chánh của Đức Chúa Trời. 

Chúng ta hãy lược sơ lại những nét chính trong chương này: 1. Quyết Định Phục Vụ Đức Chúa Trời Và Không Phục Vụ Mamôn Chúa Jêsus nói cách rõ ràng rằng: “Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Mamôn nữa”. Bạn chỉ có thể chọn một trong hai. Hãy dứt khoát một lần rằng bạn sẽ không bao giờ để tiền bạc kiểm soát các quyết định của bạn. Hãy cầu nguyện cho phần tài chánh của bạn nhiều như bạn cầu nguyện cho đời sống và chức vụ của bạn.

2. Kiên Quyết Loại Bỏ Lòng Yêu Mến Tiền Bạc Ở Trong Bạn

“Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác” (I Timôthê 6:10). Cùng với việc bạn cho phép lòng tham tiền bạc nội trú trong bạn, ma quỉ cũng hiện diện trong đời sống bạn. Khi bạn yêu mến tiền bạc, bạn đang mở cửa lòng mình cho những hoạt động của một thế lực gian ác ẩn nấp sau nó. PhaoLô khuyên nhủ chàng thanh niên Timôthê rằng: “Nhưng hỡi con là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi” (I Timôthê 6:11).

3. Quyết Định Sống Theo Các Nguyên Tắc Tài Chánh Của Đức Chúa Trời

Chỉ những người vâng theo Đức Chúa Con, Đấng đã giải phóng chúng ta được tự do, mới nếm biết được sự rộng rãi về tài chánh. Hãy bắt đầu thực hành nguyên tắc này của Đức Chúa Trời. Hãy dâng hiến! “Hãy cho, các ngươi sẽ được ban cho”. Hãy quyết định một lần đủ cả về việc bẻ gãy sự rủa sả nghèo khó bằng cách dâng phần mười, dầu bạn có cảm thấy muốn dâng hay không, hãy cứ dâng. Phần mười là của Đức Chúa Trời và nếu bạn thất bại trong việc trung tín dâng hiến phần mười, kẻ “cắn nuốt ”sẽ đến và lấy phần ấy khỏi bạn, với sự thu gom từ đầu đến cuối! Những của dâng lạc ý là những phần quan trọng khác mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta thực hành. Hãy rộng rãi với anh em mình và Đức Chúa Trời sẽ rộng rãi với bạn.

4. Đừng Trở Thành Một Kẻ Chăn Thuê

Hãy vâng phục Chúa và các sự hướng dẫn của Ngài chứ không vâng theo những “kẻ thuê mướn” là kẻ sẽ phá hủy anh em cũng như chức vụ của anh em. Đừng mất đức tin, Chúa là thành tín, Ngài sẽ cung cấp mọi sự cần dùng của anh em. Đừng để những kẻ cung ứng tiền bạc quyết định cách sống và chức vụ của anh em. Đừng trở thành một kẻ chăn thuê. Hãy quyết tâm trở thành đầy tớ của Đức Chúa Trời, chứ không phải là đầy tớ của tiền bạc. Chúng ta chỉ có thể hầu việc một chúa. Đó sẽ là Chúa Jêsus hoặc Mamôn. Bạn phải chọn lựa bởi vì bạn không thể hầu việc Đức Chúa Trời lại vừa hầu việc Mamôn. 

Hãy cầu nguyện như vầy: Lạy Chúa Jêsus! Con cảm tạ Ngài vì Ngài là Đấng thành tín và Ngài đã hứa ban mọi nhu cầu cho đời sống con. Con cảm tạ Ngài đã cho con biết rằng khi con hầu việc tiền bạc, ấy là con đang thực sự hầu việc Satan. Con xin xác quyết ngay giờ này rằng chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời của con. Con chọn để tin cậy nơi Ngài trong mọi nhu cầu của con. Con biết rằng Ngài sẽ lo liệu mọi điều cho con nếu con dùng tiền bạc của mình mà hầu việc Ngài. Lạy Chúa, con tin rằng Ngài sẽ ban thêm năng lực và ân điển mà con cần có để gìn giữ giao ước theo ý muốn của Ngài. Con cảm tạ Ngài vì những bước này sẽ dẫn con đến sự giải phóng thật sự về vấn đề tài chánh. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus. Amen!

 

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 8742 guests and no members online

Your Language