Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

009. A2Chương 6 Tránh Trở Thành Người Bị Loại Bỏ

Chương 6 - A2.6. Tránh Trở Thành Người Bị Loại Bỏ

huanluyennguoilanhdao1 1210x739Dẫn Nhập

Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người để lập thành những nhà lãnh đạo. Mỗi giai đoạn vận hành mới mẻ của Đức Thánh Linh thường được đánh dấu bởi việc Đức Chúa Trời lựa chọn và chuẩn bị những người lãnh đạo mới cho công việc của Ngài. Đây là thời kỳ của những sự tuôn đổ mới mẻ của Đức Thánh Linh. Một sự thay đổi quan trọng trong lịch sử loài người đang xảy ra. Đức Chúa Trời đang cần những con người “đứng chỗ sức mẻ” cho Ngài để “xây lại tường thành” (Êxêchiên 22:30), những người biết đường lối và lời của Đức Giê-hô-va nói rằng “nầy là đường đây, hãy noi theo” (Êsai 30:21). Chương này đề cập đến những khó khăn cạm bẫy và cái giá phải trả để sản sinh ra những con người như vậy. Nếu bạn muốn trở thành những người được lựa chọn để đem lại những cơn phục hưng, bạn cần phải biết những nguyên tắc trong chương này.

Tóm tắt những chương trước: Những điều tôi chia xẻ trong chương này được dựa trên những gì bạn đã đọc, đã hiểu và đã thực hành trong những chương trước.

Chương THỨ NHẤT liên quan đến sự cần thiết của những người lãnh đạo thuộc linh phải trông cậy nơi Đức Chúa Trời (Êsai 40:31). Đây là điều ưu tiên hàng đầu của một người lãnh đạo thuộc linh. Khi bạn trông cậy Đức Chúa Trời, Ngài sẽ cất đi năng lực của bạn và thay thế bằng chính năng lực của Ngài. Một sự trao đổi sẽ diễn ra.

Chương HAI giải thích sự cần thiết của việc nghe tiếng Chúa. Một nguyên tắc vô cùng quan trọng để có một chức vụ thành công là người phải “sống bởi mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. Tấm lòng chúng ta phải được thanh tẩy và đầu phục Chúa trước khi chúng ta có thể nghe tiếng Ngài. Và rồi, khi chúng ta nghe và vâng theo Ngài, đức tin của chúng ta sẽ tăng trưởng. Khi đức tin tăng trưởng, chúng ta sẽ nghe Ngài phán với chúng ta những điều kỳ diệu mà Ngài muốn làm qua chúng ta.

Chương THỨ BA và THỨ TƯ  trình bày tiến trình Đức Chúa Trời dùng những thử thách để hướng dẫn chúng ta. Qua lò lửa thử nghiệm, chúng ta từ địa vị “được gọi” trở thành “được chọn”. Sự thử nghiệm như thế rất cần thiết, bởi vì qua đó Ngài chuẩn bị chúng ta cho cuộc chiến thuộc linh khốc liệt mà chúng ta phải đương đầu khi trở thành người lãnh đạo.

Trong chương THỨ NĂM Giôsép đã để lại một gương quan trọng: Đức Chúa Trời đã cho những hoàn cảnh xảy ra khiến Giôsép bị đưa vào ngục tối của Pharaôn để xây dựng những tâm tính của ông. Và rồi ông được giải thoát khỏi ngục tù, được diện kiến với Pharaôn và được cất nhắc lên chức tể tướng của xứ Aicập. Từ một thân phận thấp hèn trong tù trở thành một người nắm giữ quyền hành quan trọng có thể khiến Giôsép kiêu ngạo nên Đức Chúa Trời đã dùng ngục tối của Pharaôn để làm cho Giôsép khiêm nhu và cứu ông khỏi cạm bẫy của sự kiêu ngạo.

A. CHUẨN BỊ CHO CHỨC VỤ

1. Phải Mất Bao Lâu?

Có thể bạn sẽ hỏi: “Nhưng quá trình này sẽ diễn ra bao lâu? Đức Chúa Trời sẽ chuẩn bị tôi thành một người lãnh đạo trong bao lâu?” Sẽ không có một khoảng thời gian được ấn định nào cả. Môise được chuẩn bị bốn mươi năm trong đồng vắng qua việc chăn giữ bầy chiên cho ông gia mình là GiêTrô. Phải mười bốn năm sau khi đầu phục Chúa Jesus PhaoLô mới được sai đi như một người lãnh đạo (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-3). Tuy nhiên PhaoLô đã được huấn luyện nhiều năm về Kinh Thánh trước khi ông đầu phục Đấng Christ. Từ những giấc mơ đến khi trở thành quan tể tướng của Aicập là mười ba năm trong cuộc đời của Giôsép.

Hai điều cần phải lưu ý về thời gian mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để lập bạn thành một người lãnh đạo:

• Tầm quan trọng và bản chất của chức vụ mà Đức Chúa Trời dự bị cho bạn

• Cách mà bạn đáp ứng đối với sự chuẩn bị của Ngài

a. Một Người Thợ Hay Một Bác Sĩ?

Đức Chúa Trời muốn hoàn tất ở nơi bạn với mức độ nào và bạn muốn vì Đức Chúa Trời mà đạt được ở mức độ nào thì điều đó sẽ quyết định cường độ huấn luyện của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, một người có thể trở thành một thợ máy giỏi với chỉ một vài năm tập luyện, nhưng bạn không thể trở thành một nhà phẩu thuật nếu không có nhiều năm học hành căng thẳng và một sự chuẩn bị chu đáo. Nếu bạn muốn được Đức Chúa Trời dùng trong một chức vụ đầy quyền năng và kết quả với nhiều phép lạ cặp theo thì thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài và có nhiều đau đớn. Trách nhiệm của bạn càng lớn lao bao nhiêu, thì sự thử nghiệm của bạn càng nặng nề bấy nhiêu. Phải cần một nhiệt độ cao hơn rất nhiều để làm một chiếc bình bằng vàng đựng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời so với một chiếc bình bằng đất đựng những thứ tầm thường.

b. Cứng Đầu Hay Vâng Lời?

Yếu tố thứ hai là cách bạn đáp ứng những sự thử luyện của Đức Chúa Trời khi Ngài chuẩn bị bạn. Nếu bạn không sốt sắng làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ bạn, thì thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài ra và sự thử nghiệm sẽ nặng nề hơn. Người thợ rèn phải nện những nhát búa mạnh hơn và cần nhiệt độ cao hơn để rèn những kim loại cứng rắn. Nhưng người thợ kim hoàn chỉ cần một áp lực rất nhỏ để uốn cong thanh vàng mềm mại. Bí quyết là vâng lời và đáp ứng cách mềm mại. Khi Chúa đưa một bài học nào vào đời sống bạn, hãy học tập ngay đừng chống đối hoặc do dự. Đức Chúa Trời sẽ phải dùng “những nhát búa mạnh hơn và nhiệt độ nóng hơn” nếu bạn chống đối hoặc do dự, để Ngài có thể tạo bạn thành một người lãnh đạo.

2. Những Người Bỏ Cuộc Đầy Dẫy

Thật là điên rồ khi nghĩ rằng một khi đã trở thành một người lãnh đạo bạn sẽ không bao giờ có thêm những nhu cầu cho sự tăng trưởng tâm linh. Suy nghĩ như vậy đã làm cho nhiều người sa ngã. Năm 1948 có một sự chuyển động rất lớn của Đức Thánh Linh càn quét khắp nước Mỹ. Những năm tiếp theo dưới bánh xe của thế chiến thứ hai là thời gian mà Đức Chúa Trời hành động cách mạnh mẽ trên Hội Thánh của Ngài. Đến năm 1950, chỉ còn lại hơn năm mươi nhóm truyền giáo tiền phong chính yếu hoạt động. Phần đông là những giáo sĩ trong các cuộc phục hưng chữa bịnh lớn lao mà sau này lan tràn trên khắp thế giới. Chỉ có một số rất ít còn lại. Còn những người khác thì sao? Tại sao chỉ một số ít đứng vững?

Danh sách những người bỏ cuộc thì rất dài. Nhiều người đang trong chương trình trang bị của Đức Chúa Trời đã không duy trì được sự kêu gọi của họ. Những người bước vào chức vụ lãnh đạo quan trọng bỏ cuộc nhiều hơn những người đang được trang bị cho chức vụ lãnh đạo. Sứ đồ PhaoLô đã biết trước điều này:”...e rằng khi tôi đã giảng dạy cho kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Côrinhtô 9:27). Nhiều người mong mỏi chức vụ lãnh đạo nghĩ rằng “Khi tôi đã có một chỗ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, là tôi đã đến bến và được nghỉ ngơi!” Không đúng như vậy! Khi trở thành một người lãnh đạo, người ấy dễ bị công kích hơn nhiều trước những trận chiến thuộc linh và thất bại bởi sự thăng tiếng của ông tiếng tăm của ông ta.

3. Giá Phải Trả Rất Cao

Sự chuẩn bị cho chức vụ lãnh đạo bao gồm những thử thách đau đớn và nước mắt (xem Hêbơrơ 5:7,8). Sở dĩ như vậy bởi vì bạn đang được huấn luyện để đứng vững dưới những áp lực khốc liệt xảy đến cho một người lãnh đạo. Chức vụ lãnh đạo Cơ Đốc không phải là một cái gì lãng mạn; nhưng đó là một cuộc chiến. Bạn đang chiến đấu với Satan và thế gian. Bạn sẽ bị những người thân trong gia đình, bạn bè và những anh em trong Hội Thánh hiểu lầm. Hơn nữa, bạn sẽ bị nhiều người chỉ trích do sự thúc đẩy của lòng ghen ghét hoặc sợ hãi.

Hình ảnh Môise trong sách Dân Số Ký là một bức tranh chính xác cho những gì liên quan đến người lãnh đạo. Môise phải chịu trách nhiệm cho hai triệu năm trăm ngàn người (2.500.000). Họ là những người lằm bằm, oán trách, phản loạn và muốn thối lui. Họ đã xem thấy những phép lạ nhưng lại càu nhàu, than vãn ngay sau đó. Họ kích động hết những cuộc nổi loạn này đến những cuộc nổi loạn khác. Ngay cả những anh em của Môise cũng chỉ trích và nghi ngờ chức vụ lãnh đạo của ông (và họ đã bị xét đoán).

Điều kỳ diệu là Đức Chúa Trời đã chuẩn bị Môise hơn bốn mươi năm trước khi Ngài lập ông làm người lãnh đạo. Nếu Môise không có thời gian bốn mươi năm thử luyện bên sườn đồi trong đồng vắng với những con chiên ngang bướng của ông gia mình, thì có lẽ ông sẽ không bao giờ trở nên người lãnh đạo lừng danh như ông đã từng có.

Môise và Êli là hai người đã hiện ra trên núi hóa hình với Chúa Jesus. Điều này (và những khúc Kinh Thánh khác) khiến chúng ta có thể kết luận rằng, Môise và Êli là hai vị lãnh đạo vĩ đại và quan trọng nhất trong thời Cựu Ước. Mức độ của sự căng thẳng mà một người của Đức Chúa Trời phải chịu đựng trong sự lãnh đạo được minh họa qua cuộc đời của cả Môise và ÊLi.

a. Môise

Mặc dầu Môise đã có tất cả những năm tháng chuẩn bị như vậy, nhưng những áp lực đến với ông thật quá nặng nề đến nỗi ông đã cầu xin Đức Chúa Trời giết ông. Một người sẽ không bao giờ cầu nguyện như vậy trừ khi cuộc đời của ông ta hết sức khốn khổ. “Môise bèn thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài, và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự này trên mình tôi? Tôi há có thọ sanh dân này sao, há có sanh đẻ nó sao? mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân này trong lòng ngươi như người cha nuôi bồng ẵm đứa trẻ bú, cho đến xứ Ngài đã thề hứa sẽ ban cho tổ phụ chúng nó. “Tôi sẽ có thịt ở đâu đặng phát cho dân sự này? Bởi vì họ khóc lóc về tôi mà rằng: Hãy cho chúng tôi thịt ăn. Tôi không thể một mình gánh hết dân sự này vì thật là rất nặng nề cho tôi quá! “Nếu Chúa đãi tôi như vậy và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi!” (Dân Số Ký 11:11-15). Chỉ những người ở trong chức vụ lãnh đạo mới biết rằng người lãnh đạo phải đương đầu với nhiều gánh nặng hết sức khó chịu. Môise đã thất vọng và ngã lòng trong hoàn cảnh ấy và ông muốn chết.

b. Êli

Êli cũng đã có lúc hết sức ngã lòng trong chức vụ. Điều này xảy ra ngay sau chiến thắng vĩ đại nhất của ông: Khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ và tiêu diệt bốn trăm tiên tri Ba-anh. Mỉa mai thay, những thung lũng tuyệt vọng thường theo sau đỉnh núi của những kinh nghiệm chiến thắng.

"A-háp thuật lại cho Giê-sa-bên mọi điều Ê-li đã làm, và người đã dùng gươm giết hết thảy tiên tri Ba-anh làm sao. Giê-sa-bên sai một sứ giả đến Ê-li mà nói rằng: Nếu ngày mai trong giờ này, ta không xử mạng sống ngươi như mạng sống của một người trong chúng nó, nguyện các thần đãi ta cách nặng nề. Vì vậy, Ê-li sợ hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình. Đến tại Bê-e-Sê-ba, thuộc về Giu-đa, người để tôi tớ mình lại đó. Còn người vào đồng vắng, đường đi ước một ngày, đến ngồi dưới cây giếng giêng, xin chết mà rằng: Ôi Đức Giê-hô-va! đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi" (1 Các Vua 19:1-4).

Chúa đã trả lời cầu nguyện của ÊLi và cất ông lên trời sau lời cầu nguyện này vài tuần.

Theo tôi, đó là sự bày tỏ vĩ đại về tình yêu và sự cảm thông của Đức Chúa Trời đối với những người lãnh đạo của Ngài đến nỗi Ngài tôn trọng Môise và ÊLi bằng cách cho phép họ hiện ra với Chúa Jêsus trên núi hóa hình (xem Mathiơ 17:1-27). Vâng, bạn cần phải trả giá để trở thành một người lãnh đạo. Nếu sự chuẩn bị dường như nặng nề, hãy nhớ rằng: Những áp lực đi kèm với chức vụ lãnh đạo sẽ nặng nề hơn sự huấn luyện mà bạn đã được chuẩn bị.

Vâng, bạn cần phải trả giá để trở thành một người lãnh đạo. Nếu sự chuẩn bị dường như nặng nề, hãy nhớ rằng: Những áp lực đi kèm với chức vụ lãnh đạo sẽ nặng nề hơn sự huấn luyện mà bạn đã được chuẩn bị.

B. KẺ THÙ LỢI HẠI NHẤT CỦA CHÚNG TA

Kẻ thù nguy hiểm nhất của một người lãnh đạo Hội Thánh là chính ông ta. Chính xác thịt và bản chất tội lỗi cư ngụ trong ông là một kẻ thù tàn ác và giả dối. So với kẻ thù này, những kẻ thù bên ngoài của ông dễ dàng chiến thắng hơn rất nhiều. Những chương sau này sẽ đặc biệt đề cập đến những điểm này, nhưng bây giờ hãy xem chúng cách tổng quát.

1. Ba Cạm Bẫy Chính Của Người Lãnh Đạo

Ba lĩnh vực tội lỗi luôn luôn là nguyên nhân của sự sa ngã của bất cứ người lãnh đạo nào, đó là:

Tình (những quan hệ tình dục bất chánh), Tiền (sự ham muốn giàu có), và Địa vị, danh vọng (Kiêu ngạo).

“Chớ yêu thế gian cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. “Vì mọi sự trong thế gian như sự mê tham của mắt, sự mê tham của xác thịt, và sự kiêu ngạo của đời đều chẳng từ Cha mà đến nhưng từ thế gian mà ra” (I Giăng 2:15,16).

Không một ai được miễn trừ khỏi phạm tội này. Tôi không nghĩ là chính tôi được miễn trừ khỏi chúng hoặc tôi đã từng gặp một người nào được miễn trừ. Rất nhiều người lãnh đạo Cơ Đốc đã thất bại bởi những tội này. Một người lãnh đạo khôn ngoan biết rằng nếu ông không luôn luôn tập luyện sự kiềm chế, ông có thể rơi vào một, hai hoặc cả ba cạm bẫy này. Chắc chắn có những tội lỗi dễ vấn vương đã được đề cập trong Hêbơrơ 12:1. Theo 1 Giăng 2:15, thiếu sự kính mến Đức Chúa Cha sẽ làm cho lòng yêu mến thế gian tăng lên. Nếu bạn đang ở trong chức vụ lãnh đạo, sự thiếu kém này làm cho bạn dễ bị tấn công vô cùng vào những lãnh vực này. Một sự huấn luyện và chuẩn bị thích đáng cho chức vụ lãnh đạo phải bao gồm sự phát triển lòng tin cậy tuyệt đối vào Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Nếu bạn bước đi trong đức tin, bạn sẽ được an toàn. Bạn sẽ có khả năng tránh được cạm bẫy của tội lỗi về tình dục, lòng tham lam và sự kiêu ngạo. Ba lãnh vực tội lỗi này xuất phát từ tấm lòng bất an (thiếu đức tin và sự tin cậy nơi Chúa).

a. Gian dâm

Sự gian dâm thường bắt nguồn từ một cuộc hôn nhân bấp bênh có thể bị đổ vỡ do lòng yêu mình cách ích kỷ. Nó khiến bạn luôn nghĩ về mình, quan tâm đến mình, và ích kỷ. Khi nghĩ rằng mình không hạnh phúc, người chồng cảm thấy mất đi sự yêu thương của vợ và dễ dàng rơi vào vòng tay của người mà ông nghĩ cô ta biết thông cảm và thương yêu ông hơn.

1) Gia đình

Ưu Tiên Hàng Đầu Người lãnh đạo phải tranh đấu để dành nhiều thì giờ ở bên vợ và các con. Ông phải có một thái độ quan tâm tích cực đến người nhà mình. Những áp lực căng thẳng và thời khóa biểu bận rộn do những trách nhiệm và nan đề trong Hội Thánh sẽ xâm phạm đến sự ưu tiên này.

2) Vài Lời Với Những Người Vợ

Người vợ phải quan tâm, nhạy cảm, và hỗ trợ cho chồng mình. Ông luôn luôn bị dồn ép liên tục bởi các áp lực bên ngoài trong công tác ngày càng lớn rộng của mình. Ông có thể cảm thấy không đủ khả năng để giải quyết các nan đề và dễ dàng rơi vào tâm trạng chán nản, sợ hãi và cô độc. Vào những lúc như vậy, những cử chỉ dịu dàng, âu yếm sẽ là liều thuốc dịu kỳ cho người lãnh đạo Hội Thánh đang bị bối rối. Thái độ thông cảm và sự khích lệ từ người vợ có thể cứu chồng mình và chức vụ của ông.

3) Một Vết Sẹo Còn Lại

Sự thất bại về luân lý vô cùng nguy hiểm. Salômôn đã cảnh cáo những người rơi vào sự tà dâm rằng: “Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ. Sự sỉ nhục người chẳng bôi mất đi” (Châm Ngôn 6:33). Nó sẽ ngăn trở chức vụ của bạn trong những năm còn lại của đời sống bạn. Đức Chúa Trời vẫn sẵn sàng tha thứ và phục hồi địa vị cho bạn, nhưng “vết thương và sự sỉ nhục” của bạn sẽ không bao giờ phai mờ. Do sự thất bại về luân lý bạn sẽ mất tất cả những gì bạn đã đạt được trong những năm chịu thử nghiệm để trở thành người lãnh đạo.

b. Tham lam

Sự tham lam (ham mê tiền bạc) bắt nguồn từ việc nghi ngờ sự cung cấp của Đức Chúa Trời. Là một người lãnh đạo thuộc linh, bạn phải:”...trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài”. Nếu bạn làm như vậy, Chúa Jêsus phán: “thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn thức ăn, quần áo, sức khỏe, nhà cửa và các phương tiện khác nếu bạn giữ theo nguyên tắc về sự thịnh vượng trong Kinh Thánh. Nguyên tắc này là: “Hãy ban cho, các ngươi sẽ được ban lại” (Luca 6:38).

1) Học biết ban cho (dâng hiến)

Bạn sẽ không kinh nghiệm được sự ban cho của Đức Chúa Trời cho đến khi bạn biết dâng cho Ngài 1/10 lợi tức của bạn. Bạn sẽ bẻ gẫy sự nghèo khổ bằng cách dâng 1/10 tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho bạn. Hãy giúp đỡ những người góa bụa, những trẻ mồ côi và những người nghèo ở quanh bạn, vì Đức Chúa Trời hứa rằng: “Ta sẽ...mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (Malachi 3:7-11).

2) Dạy những người khác ban cho (dâng hiến)

Khi bạn đã bắt đầu thực hiện điều này, cũng hãy bắt đầu dạy dỗ anh chị em mình làm như vậy. Lúc họ biết dâng 1/10 cho Chúa thì cũng là lúc sự nghèo khổ lìa xa họ. Sự dâng hiến cho Đức Chúa Trời sẽ xóa đi lòng ham mê tiền bạc. Thực hiện điều này thường xuyên sẽ giúp bạn tránh được nhiều nỗi hối tiếc, đem bạn ra khỏi sự nghèo đói và làm cho các tín hữu khác có đời sống sung mãn bằng cách dạy họ dâng hiến. Chúng ta sẽ học nhiều về tội gian dâm và tội tham lam trong hai chương kế tiếp.

c. Kiêu ngạo

Kiêu ngạo là kết quả của sự nghi ngờ về sự kêu gọi của bạn và giá trị của chính bạn. Kiêu ngạo là một thất bại dễ thấy nhất. Nhưng kiêu ngạo cũng là điều khó nhìn thấy nhất khi chúng ta tự nhìn chính mình. Nó được biểu lộ bằng một thái độ kiêu hãnh, khoe khoang. Khoe khoang chứng tỏ cho sự thiếu tự tin của mình. Một người với một chức vụ kết quả không bao giờ khoe khoang về nó. “Hãy để cho kẻ khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm” (Châm Ngôn 27:2). Ví dụ, nếu một người cảm thấy mình cần phải thông báo rằng mình là một sứ đồ, điều đó có nghĩa là ông ta nghi ngờ về chính mình rằng có lẽ những người khác sẽ không nghĩ chính ông là một sứ đồ trừ phi chính ông nói ra điều đó. Khoe khoang là bằng chứng dễ thấy của một người đầy sự kiêu ngạo và nghi ngờ.

1) Một Đầy Tớ Không Phải Một Ông Chủ

“Tôi gởi lời khuyên nhủ này cho các bậc trưởng lão trong anh em... đừng áp chế ai, nhưng hãy làm gương tốt cho họ noi theo” (I Phierơ 5:1-3). Những người lãnh đạo chân chính không phải là những ông chủ. Họ là những tôi tớ của dân sự Đức Chúa Trời. Chức vụ lãnh đạo Hội Thánh không phải là chức vụ của những ông chủ, nhưng là chức vụ của những kẻ tôi tớ thấp hèn. Sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời là dạy dỗ chúng ta có một thái độ của một đầy tớ. Chúa Jesus là một người khiêm nhu, hạ mình nhất trong tất cả mọi người. Giống Chúa Jesus, một người lãnh đạo chân chính sẽ không tránh né những công việc nhất định vì ông cảm thấy đó là những công việc làm hạ phẩm giá lãnh đạo cao sang của ông. Một người lãnh đạo vững vàng sẽ không bị đe dọa khi phải làm những công việc tầm thường hay những trách nhiệm khiêm tốn.

PhaoLô đã viết về Chúa Jesus rằng: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ, trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Philíp 2:6-8).

Chúa Jêsus đã không rúng động trong thân phận con người của Ngài, Ngài đã không cần phải tự tôn vinh mình. Giăng đoạn 13 làm cho điều nầy rõ hơn: ”Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chơn cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chơn cho” (câu 3-5). Hãy lưu ý chữ “biết”. Chúa Jêsus đã biết Ngài là ai, nhưng Ngài đã làm công việc thấp hèn nhất mà không mất đi “hình ảnh của một người lãnh đạo vĩ đại”. Ngược lại, ngày nay nhiều giám mục thường hành động một cách khoe khoang trong những bộ đồ của vua chúa. Rửa chơn cho người khác là công việc hèn hạ nhất theo phong tục trong thời Chúa Jêsus. Đó là công việc của người nô lệ. Trong thời Chúa Jêsus, người nô lệ rửa chơn cho khách để tỏ lòng hiếu khách. Rửa chơn là một trách nhiệm không mấy được ưa thích. Đường xá rất dơ bẩn nhưng những rác rưởi trên đường thì muôn lần dơ bẩn hơn. Phương tiện đi lại của thời ấy là lạc đà, lừa, ngựa và con la.

Chỉ cần một chút tưởng tượng cũng biết được những con đường thời đó dơ bẩn như thế nào. Bàn chân của những người lữ hành bám đầy phân súc vật cũng như bụi bặm. Tục lệ rửa chơn được dành cho những tên nô lệ thấp hèn nhất. Công việc này được nghĩ rằng sẽ làm tăng phẩm giá của “những vị khách quí”. Tuy nhiên, đây chính là công việc mà Chúa của chúng ta đã hạ mình xuống và thực hiện. Những phản ứng quyết liệt của môn đồ là hoàn toàn dễ hiểu. Làm sao Chúa Jêsus có thể làm những việc như vậy? Làm sao Ngài, Chúa và vua của họ, lại có thể đi rửa chơn cho các môn đồ của Ngài? Ngài có thể làm như vậy bởi vì Ngài biết rõ mình là ai. Ngài biết Cha đã giao phó hết thảy mọi việc trong tay mình. Ngài biết rõ Ngài đến từ Cha và Ngài là con Đức Chúa Trời cũng như là Đấng Mêsia đã được phán hứa. Ngài biết mình sẽ trở về cùng Cha sau khi Ngài chiến thắng tội lỗi, sự chết âm phủ và mồ mả. Ngài không cần phải chứng minh cho những người khác mình là ai. Cuộc đời của Ngài đã chứng minh Ngài là ai cho tất cả những ai có sự nhận thức thuộc linh.

2) Không Có Công Việc Nào Là Quá Thấp Hèn

Đó là một đêm tối thứ sáu. Buổi họp với những đồng nghiệp của chúng tôi sẽ tổ chức vào sáng thứ hai. Nhưng rồi nhà xí lại bị nghẹt và nước không thể thoát ra được. Lúc đó đã đến giờ đi ngủ và chúng tôi cần phải có sức để làm công việc của ngày thứ bảy, nhưng nhà xí cũng cần phải được giải quyết ngay. Bạn hãy đoán xem ai sẽ làm công việc đó? Bởi vì không ai nên tôi phải làm. Những người khác đã đi chuẩn bị nơi dựng trại. Tôi mặc vào một bộ đồ bẩn thỉu và bắt đầu đào để thông nơi ống bị nghẹt. Trong lúc tôi đang hì hục với công việc, từ đầu gối trở xuống ngập trong nước cống sình lầy, thì một người lãnh đạo từ một nơi khác đến. Ông ấy chưa bao giờ đến làng này. Ông chưa hề gặp tôi nên hỏi tôi rằng: ông có thể tìm anh Mahoney, Giám đốc tổ chức truyền giáo toàn cầu ở đâu không. Tôi trả lời “anh ta đang ở trước mặt ông đây”. “Ông chính là Mahoney? ”Anh há hốc miệng ngạc nhiên pha lẫn chút nghi ngờ. Phải nói là ông ta bị “sốc” khi trông thấy tôi làm công việc đó. Trách nhiệm đòi hỏi như vậy. Buổi Hội nghị không thể bắt đầu nếu như công việc không được hoàn tất trước ngày thứ bảy. Họ không thể đến làm việc nếu như phòng tắm không thoát nước, vì vậy tôi phải làm công việc đó, và không cảm thấy phiền lòng chút nào.

Một người không được chuẩn bị để chùi rửa nhà vệ sinh (nếu hoàn cảnh đòi hỏi như vậy), người đó cũng không được chuẩn bị cho chức vụ lãnh đạo. Suy nghĩ rằng những công việc như thế làm mất phẩm giá của bạn, thì bạn đã không hiểu hết mục đích của chức vụ lãnh đạo. Nếu bạn không tin cậy Đức Chúa Trời cách vững vàng, ma quỉ sẽ dễ dàng hất bạn ra khỏi chức vụ lãnh đạo. Một người lãnh đạo phải sẵn sàng cúi xuống trước các “môn đệ” của mình, rửa chơn cho họ nếu như ông muốn trở nên giống như Chúa Jêsus. Biết chắc mình là Con của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus đã phục vụ mọi người mà không hề sợ hãi. Điều này trái ngược với thái độ yêu mến địa vị của những người lãnh đạo xác thịt chưa trưởng thành.

3) Hãy Tìm Kiếm Trách Nhiệm

Có người đã nói rằng: “Nếu bạn nhìn thấy một người đang tìm kiếm quyền lực, hãy coi chừng ông ta, ông ta sẽ gây nên những rắc rối. Nếu bạn nhìn thấy một người đang tìm kiếm trách nhiệm hãy cất nhắc ông ta, ông ta sẽ đem đến nhiều phước hạnh”. Chúng ta phải tìm kiếm trách nhiệm, không phải quyền lực. Trong chức vụ lãnh đạo Hội Thánh, lòng yêu mến địa vị đã phá đổ nhiều người lãnh đạo. PhaoLô viết: “Ví bằng có kẻ ưa muốn được làm Giám mục ấy là ưa muốn một việc tốt lành”. Tuy nhiên nếu mong ước của bạn là địa vị và quyền lực chứ không phải trách nhiệm, chắc chắn bạn sẽ sa ngã như Satan đã từng sa ngã. Người lãnh đạo Hội Thánh phải chiến thắng sự kiêu ngạo còn cư ngụ trong ông (Rôma 7:14-24), bước đi trong sự khiêm nhu, tìm kiếm sự phục vụ, tránh những điều gì có thể làm mình có tư tưởng cao quá lẽ (suy nghĩ về mình cao hơn sự thật).

Chúng ta phải tìm kiếm trách nhiệm, không phải quyền lực.

 

C. KIÊU NGẠO: BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI

1. Những Biểu Hiện Của Sự Kiêu Ngạo

Những biểu hiện tinh vi của sự kiêu ngạo dễ dàng nhận thấy một khi bạn đã biết chúng. Sau đây là hai hoặc ba biểu hiện đó:

a. “Ta quan trọng hơn”

Đó là suy nghĩ rằng những người khác hoặc những công việc nào đó là “thấp kém hơn so với phẩm giá của bạn” hoặc suy nghĩ bạn quan trọng hơn những người khác bởi vì bạn đang giữ một vai trò lãnh đạo.

b. “Ta muốn được phục vụ” 

Đó là chấp nhận sự tôn kính đặc biệt dành cho người lãnh đạo và được những người khác phục vụ thay vì phải phục vụ người khác.

c. “Ta là số một”

PhaoLô cảnh cáo chúng ta phải từ bỏ “những tư tưởng cao quá lẽ” (Rôma 12:3). Chúng ta bắt đầu kiêu ngạo khi chúng ta đánh giá mình cao hơn sự thật. Những biểu hiện này và những điểm tương tự cho thấy chúng ta đang phạm một tội vô cùng tinh vi: Kiêu ngạo. “Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp đẽ ngươi... vì vậy, ta đã xô ngươi xuống...” (Êxêchiên 28:17). Êva đã sa ngã bởi vì Satan đã khơi dậy sự kiêu ngạo trong lòng bà: ”...Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời...” (Sáng Thế Ký 3:5). Kiêu ngạo chắc chắn sẽ làm cho chúng ta sa ngã. “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm Ngôn 16:18).

2. Sự Kiêu Ngạo Vô Cùng Nguy Hiểm

Sự kiêu ngạo vô cùng nguy hiểm bởi vì nó rất tinh vi. Sự kiêu ngạo giống như một hột cỏ lùng ở giữa ruộng lúa; nó sẽ mọc lên và lan ra nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời. Có thể bạn bắt đầu chức vụ như một người lãnh đạo khiêm nhường, nhưng khi bạn “tự hào” về sự khiêm nhường của mình, bạn không còn khiêm nhường nữa. Kiêu ngạo là một kẻ hủy diệt. Đấy là lý do tại sao Đức Chúa Trời muốn cho những người mới tin đạo chỉ gánh một phần nhỏ trách nhiệm để người ấy tăng trưởng mà không bị hủy diệt bởi sự kiêu ngạo. “Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỷ chăng” (ITimôthê 3:6).

3. Tránh Xa Cạm Bẫy Của Sự Kiêu Ngạo

Nếu kiêu ngạo là một kẻ thù vô cùng quỉ quyệt và rất khó phát hiện, thì làm sao chúng ta có thể đề phòng nó? Làm sao chúng ta có thể ngăn ngừa tội lỗi của loài rắn này? Sau đây là một vài bước chúng ta phải noi theo để tránh rơi vào cạm bẫy này: 

a. Tương Giao Mật Thiết Với Đức Chúa Trời 

Duy trì một mối liên hệ mật thiết với Chúa Jêsus qua kỷ luật của sự cầu nguyện, siêng năng đọc Kinh Thánh mỗi ngày và khẳng định rằng mình phải suy gẫm về những Lời mà Ngài dành cho bạn. Điều này sẽ giữ bạn tập trung vào sự vinh hiển của Ngài và như thế sẽ giúp bạn duy trì một cái nhìn khiêm tốn về tầm quan trọng thật của chính mình.

b. Kiêng Ăn Và Cầu Nguyện 

Nếu có sự kiêu ngạo trong đời sống bạn, hãy giải quyết nó. Đavít nói: “Tôi kiêng ăn ép linh hồn tôi” (Thi Thiên 35:13).

c. Sống Gần Gũi Với Người Khác

Chức vụ lãnh đạo dễ làm bạn xa cách với những người khác. Kinh Thánh bảo chúng ta phải ”...tiếp tục thông công với anh em” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42). Luôn luôn duy trì những mối liên hệ thân thiết với những người mà bạn cho phép họ nói thật về đời sống bạn, mà nếu cần có thể là những lời sửa sai. Người lãnh đạo nào không tiếp nhận những lời góp ý chân thật từ những người bạn đáng tin cậy sẽ dễ dàng đánh mất viễn cảnh tương lai của mình và rơi vào sự kiêu ngạo. Vì Giêrêmi đã khẳng định rằng: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất xấu xa” (Giêrêmi 17:9), vì sự kiêu ngạo, chắc chắn chúng ta sẽ đi lạc lối nếu không có những sự bảo vệ này.

d. Đừng Phấn Đấu Để Đạt Đến Địa Vị

Thi Thiên 75:6 chép: “Sự tôn cao đến từ Đức Giê-hô-va”. Đức Chúa Trời sẽ lập bạn làm người lãnh đạo cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào. Ngài biết bạn đang ở đâu và sẽ cất nhắc bạn lên theo thời điểm của Ngài (I Phierơ 5:1-6).

e. Tìm Cách Phục Vụ Người Khác Ngày Càng Hơn 

Một người đầy tớ tốt luôn luôn cố gắng làm cho người mình phục vụ thành công. Nếu họ thành công bạn đã thành công. Nếu bạn chỉ tập trung vào sự thành công của chính bạn, sự kiêu ngạo sẽ dễ dàng nhiễm vào bạn (xem Philíp 2:4).

f. Một Chức Vụ Rửa Chân Cho Nhau

Bất cứ lúc nào một người có bằng cấp hoặc được phong chức vào chức vụ, thì một trong những trách nhiệm hàng đầu người ấy phải thực hiện là rửa chân cho những người mà mình sẽ phục vụ. Nếu đó là một buổi nhóm đông đảo thì người phụ trách buổi nhóm ấy nên chọn ra những đại diện nam và nữ rồi người được đặt vào chức vị lãnh đạo sẽ rửa chân cho những người ấy. 

Tôi khám phá ra rằng bất cứ lúc nào có sự xung đột xảy ra trong một hội thánh thì chức vụ rửa chân cho nhau là phương thuốc chữa trị tốt nhất, vì chức vụ ấy bẻ gãy sự kiêu ngạo đằng sau các mối bất hòa. Hãy để nữ rửa chân cho nữ và nam rửa chân cho nam.

D. KẾT LUẬN

Để được cứu khỏi thất bại vì đã kiêu ngạo, bạn hãy đọc lớn bài cầu nguyện này với Chúa ngay bây giờ:

Lạy Chúa Jêsus yêu dấu, Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ hướng dẫn con bước đi trong đường lối ngay thẳng và bảo vệ con khỏi mọi điều ác. Xin biến đổi con trở nên người đầy tớ Chúa muốn. Xin cứu con khỏi tội vô luân, tham lam và kiêu ngạo. Xin hãy tra xét lòng con và bày tỏ những tội lỗi kín dấu mà con không nhận biết. Xin cho con biết hạ mình sẵn sàng sửa chữa những lỗi lầm mà những người khác chỉ cho con thấy. Xin hãy ban thêm sức để con có thể chịu nổi sự sửa trị của Ngài. Con cám ơn Ngài đã biến con trở nên một người đầy tớ khiêm nhường như Ngài. Amen.

 

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 6381 guests and no members online

Your Language