Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

004. A2Chương 1 Trông Đợi Đức Chúa Trời

Chương 1 - A2.1 Chương 1 Trông Đợi Đức Chúa Trời

Dẫn Nhập

Có phải bạn là người được kêu gọi để trở thành người lãnh đạo Hội Thánh nhưng e ngại rằng những nhược điểm của bạn sẽ ngăn trở bạn thành công chăng? ... Có phải bạn nghĩ rằng bạn quá yếu đuối không thể trở thành một người lãnh đạo vững vàng chăng? Có lẽ bạn đang bị đẩy vào vị trí lãnh đạo và bạn đang đối diện với sự chán chường, thậm chí cả sự thất bại. Nếu vậy bạn hãy vững lòng. Đức Chúa Trời có những tin vui cho bạn.

huanluyennguoilanhdao5 1210x739

A. ĐỨC CHÚA TRỜI DÙNG NHỮNG NGƯỜI YẾU ĐUỐI

“Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức" (Êsai 40:29). Khi Đức Chúa Trời kêu gọi một người làm lãnh đạo, Ngài không căn cứ vào việc người ấy có thông minh, có tài năng hay có học vấn hay không. Thật ra, những điều này có thể được Đức Chúa Trời thay đổi (đôi khi Ngài hủy phá đi) trước khi Ngài có thể sử dụng chúng ta. Kinh Thánh chép: “Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết” (I Côrinhtô 1:19). Sứ đồ PhaoLô nói rằng: “Sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta. Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có." (I Côrinhtô 1:25-28). Đây là điều sứ đồ PhaoLô dạy dỗ chúng ta: Qua sự yếu đuối, thất bại của chúng ta, Đức Chúa Trời bày tỏ sự khôn ngoan của Ngài. Đức Chúa Trời thi hành quyền năng của Ngài qua sự bất lực của chúng ta. Sự yếu đuối của chúng ta làm cho sức mạnh của Ngài nên trọn vẹn. Một người truyền đạo là bạn tôi (Jack) đã chia xẻ một kinh nghiệm gần đây khi ông thi hành chức vụ tại Nhật, Đức Chúa Trời đã cảm động ông qua câu Kinh Thánh này: “Nhơn vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú mà lập nên năng lực Ngài, đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng” (Thi Thiên 8:2).

1. Kẻ Thù Nín Lặng (Bị đánh bại)

Ông đã dạy cho những người lãnh đạo Hội Thánh tại Nhật rằng Chúa dùng lời ca ngợi của con trẻ và con đương bú mà đánh bại kẻ thù của Ngài (xem Mathiơ 21:16). Dường như Đức Chúa Trời vui thích khi làm nhục Satan bằng cách sử dụng những tạo vật yếu đuối nhất của Ngài (bạn và tôi, những con trẻ của Ngài) để đánh bại kẻ thù nghịch Ngài. Khi ông Jack đáp chuyến bay từ Nhật về nhà, Chúa đã ban cho ông một khải tượng. Ông thấy một nhóm trẻ con đang dẫn một bầy cừu yếu đuối, kêu be be. Những đứa trẻ đang ca ngợi Đức Chúa Trời và vui sướng trong Ngài. Khi ông còn đang ngẫm nghĩ điều này, Chúa đã phán với ông rằng, “Ta đã chọn hình ảnh những con chiên thơ làm đại diện cho dân ta bởi vì chúng là biểu tượng của sự yếu đuối, không thể tự cứu mình hoặc tự dẫn dắt mình được. Nhưng ta sẽ dùng những con trẻ hay ngợi khen là những người đang dẫn dắt bầy chiên kêu be be để đánh bại Satan trong mọi điều.” Tôi tin rằng ông Jack đã nói đúng. Đức Chúa Trời dùng những người yếu đuối để tiêu diệt kẻ thù Ngài. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể dùng bạn và tôi.

B. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI CHỌN

Tôi thường sững sờ bởi những người Đức Chúa Trời chọn để làm những công tác đặc biệt.

1. PhaoLô

Đức Chúa Trời đã sai PhaoLô đi truyền giáo cho dân ngoại. PhaoLô đã học luật pháp nơi Gamaliên (một giáo sư danh tiếng của người Pharisi). Trong cương vị là một ứng viên của Tòa công hội, (một nhóm người Giuđa có uy tín được quyền giảng giải luật tôn giáo tại Do Thái) PhaoLô phải nhớ thuộc lòng và có thể trích dẫn năm sách đầu của Cựu ước (Ngũ kinh) mà không được mắc lỗi nào. Ông là một người Giuđa có một gia cảnh và thành tựu nổi bậc. Theo quan điểm của con người, không ai thích hợp cho nhiệm vụ giảng Tin lành cho người Giuđa hơn PhaoLô. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai ông đi giảng đạo cho ai? Ngài không sai ông đi giảng đạo cho dân Giuđa là những người có văn hóa, nhưng sai ông đến với những người ngoại bang ngu dốt và bị khước từ. Những người ngoại bang này có rất ít sự kính trọng đối với nền học vấn và sự quán triệt về luật pháp Do thái của PhaoLô. Tất cả mọi khả năng thiên phú, nền học vấn, tài năng cũng như sự khôn ngoan của PhaoLô đều bị bỏ qua một bên. Đức Chúa Trời đã phải tước bỏ tất cả các điều này bằng cách đem PhaoLô vào đồng vắng Arabi (giống như tổ phụ của ông là Môise) và ở đó Ngài đã lột bỏ khỏi ông những điều gì có thể khiến ông kiêu ngạo (xem Galati 1:17; Phi líp 3:4-8). Trong đồng vắng ”...Trong đất sa mạc đầy hầm hố, trong đất khô khan và có bóng sự chết, là đất chẳng một người nào đi qua, và không ai ở” (Giêrêmi 2:6) PhaoLô đã học biết rằng, là một người hầu việc Đấng Christ, sự thành công của ông chỉ có thể đến bằng cách từ bỏ hết mọi sự "coi tất cả mọi sự lời cho tôi như là sự lỗ, để được Đấng Christ” (Phi líp 3:7-8). PhaoLô đã học tập để rao giảng tin lành ”...chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra của Thánh Linh và quyền phép” (I Côrinhtô 2:4). Để thuyết phục mọi người rằng Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế của họ, PhaoLô đã trông cậy vào quyền năng của Thánh Linh làm việc qua ông hơn là trông cậy vào khả năng của chính ông như là một nhà hùng biện hoặc là một nhà truyền đạo (I Côrinhtô 10:4; II Côrinhtô 10:10). Chúng ta cũng phải làm như vậy.

2. Phierơ

Mặc dù Phierơ là người mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:1-48), ông vẫn cứ ở tại Giêrusalem giữa vòng những người Do Thái được chọn trong đế quốc Lamã như là "sứ đồ cho dân Giuđa” (xem Galati 2:8). Phierơ có những phẩm chất nào khiến ông đủ tiêu chuẩn cho chức vụ này? Chắc chắn là ông không có bằng cấp của học viện hay nền học vấn cao. Kinh Thánh mô tả về ông rằng: ”...dốt nát không học” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Ông chỉ là một người đánh cá tầm thường, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã trang bị quyền năng của Đức Thánh Linh cho ông để thi hành chức vụ mà Ngài kêu gọi.

C. BIẾN SỰ YẾU ĐUỐI THÀNH PHƯỚC HẠNH

"Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức” (Êsai 40:29). Một câu chuyện kể rằng có một người mù và một người què trở thành đôi bạn thân thiết, luôn luôn gắn bó với nhau. Điều gì đã góp phần tạo nên tình bạn đó? Người què có thể thấy được mọi vật nhưng không thể bước đi. Người mù có đôi chân mạnh mẽ, nhưng không có khả năng nhìn thấy. Người què ngỏ ý đem khả năng nhìn thấy mọi vật của mình cho người mù đề đổi lấy khả năng di chuyển của anh ta. Người mù sẽ cõng người què trên lưng. Người què chỉ đường cho người mù bước đi và báo động những nơi có thể làm cho người mù vấp ngã. Sự yếu kém và nhu cầu hỗ tương của họ đã mang họ đến với nhau để tận dụng những điểm mạnh của nhau.

1. Càng Phụ Thuộc Vào Đức Chúa Trời Hơn

Cũng vậy, sự mù lòa và què quặt tâm linh của chúng ta khiến chúng ta có một mối liên hệ phụ thuộc, luôn luôn nhờ cậy vào Đức Chúa Trời và sức mạnh của Ngài có thể thay thế cho sự yếu đuối của chúng ta. Có người đã viết một bài Thánh ca rất hay: Sức mạnh Ngài nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Quyền năng Ngài không dành cho kẻ mạnh sức. Ngài ban nhiều ân điển cho kẻ yếu đuối trong cuộc đua. Sức mạnh Ngài nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Những sự yếu kém cá nhân mà qua đó chúng ta nhận thức được sự thiếu hụt khả năng và năng lực để làm một người lãnh đạo khiến chúng ta để lòng cầu nguyện với Đức Chúa Trời (đôi khi cùng với kiêng ăn). Nếu chúng ta làm như vậy chúng ta sẽ nhận ra rằng "Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức”. Thái độ nương dựa vào Đức Chúa Trời lôi cuốn sự chú ý của Ngài và kéo Ngài đến gần chúng ta, và bày tỏ quyền năng Ngài cách vinh hiển qua chúng ta. Những sự kém thiếu của chúng ta được xem như phước hạnh ẩn dấu khi những điều ấy buộc chúng ta phải phụ thuộc vào Đấng Christ. Tuy nhiên, nếu chúng ta nuốt lấy sự tự thương hại, tự ghét bỏ mình, chăm chú nhìn vào chính mình, dò tìm để hiểu ra những nan đề của mình, chúng ta sẽ chỉ đến chỗ đầy mặc cảm tự ti.

2. Công Bố Lời Chúa

Những gì mà các nhà tâm lý gọi là “mặc cảm tự ti” thường là một sự bị chiếm hữu bởi con người xác thịt của chúng ta (tự thức). Nó sẽ đem lại một hậu quả, bạn nhìn thấy chính mình “tôi chẳng có gì hay cả, tôi chỉ là một đứa vô dụng, thất bại... Đức Chúa Trời không bao giờ có thể sử dụng tôi." Những quan niệm như vậy về chính mình chỉ dẫn đến sự nản lòng hoàn toàn mà thôi. Tôi đã nghe ông Billy Graham (giáo sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử) nói rằng: "Đức Chúa Trời không bao giờ có thể sử dụng một người đầy tớ nản lòng”. Điều nầy là sự thật. Chúng ta phải chiến thắng những thái độ như vậy bằng chính lời công bố của chúng ta (Khải Huyền 12:11). Chúng ta sẽ là người chiến thắng nếu chúng ta nói về mình như Kinh Thánh nói về chúng ta. Kinh Thánh chép: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức (ban quyền năng) cho tôi” (Philíp 4:13). “Nầy, ta đã ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chân, không gì làm hại các ngươi được” (Luca 10:19). Bởi Đức Chúa Trời - chúng tôi chiến đấu can đảm. Chính Ngài - Đấng đánh đuổi quân thù của chúng tôi. Chúng tôi sẽ hát -và hô vang chiến thắng. Christ là Vua! Christ là Vua! Chúng ta đừng lầm lẫn giữa mặc cảm tự ti và sự nhu mì theo Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời đẹp lòng. Hai điều này hoàn toàn khác nhau.

3. Đến Gần Chúa Trong Sự Cầu Nguyện

Loại yếu đuối mà Đức Chúa Trời đáp ứng lại là sự yếu đuối sản sinh ra một nhận thức lệ thuộc vào Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, con cần đến Ngài, không có Ngài con không thể sống được.” Đức Chúa Trời sẽ hành động thay cho chúng ta. Chúng ta sẽ cầu nguyện như vua Đa-vít rằng: ”...Linh hồn tôi khát khao Chúa” (Thi Thiên 63:1; 84:2). Sự cảm biết nhu cầu này sẽ góp phần phát huy một đời sống cầu nguyện và tận hiến lành mạnh. Đó là con đường bạn phải có, phải không? Ngược lại, một sự nhận thức về chính mình tràn ngập như thế sẽ làm tê liệt chúng ta. Nó là rào cản ngăn trở quyền năng của Đức Chúa Trời tuôn tràn qua chúng ta. Hãy tống khứ loại xác thịt này và quay lưng lại với nó. Hãy nhận thức rằng Đức Chúa Trời là sức mạnh của đời sống bạn và bạn không cần phải sợ hãi. (Thi Thiên 27:1). Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ sức mạnh của Ngài qua những ai kính sợ, tôn thờ và phụ thuộc vào Ngài.

4. Hãy Đổi Năng Lực Của Bạn Lấy Năng Lực Của Ngài

“Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới” (Êsai 40:30, 31). Từ ngữ chìa khóa trong câu nầy là “Làm mới lại”, có thể dịch đúng hơn là “hoán đổi”. Đang khi chúng ta ngửa trông nơi Chúa, Ngài sẽ cất đi sức lực của chúng ta và thay thế vào đó bằng chính sức lực của Ngài. Đó không phải là vấn đề kết hợp sức của chúng ta với sức của Ngài, nhưng là một sự cất bỏ hoàn toàn sức lực của chúng ta và mặc lấy sức mạnh của Ngài. Đức Chúa Trời phán rằng: “Nếu ngươi tự xem mình là mạnh mẽ, Ta không thể dùng ngươi. Nếu ngươi có thể tự mình làm lấy, thì ngươi không cần đến Ta.” Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta điều gì trước khi Ngài “hoán đổi” sức lực với chúng ta?

a. Nhận Biết Nhu Cầu Của Bạn

Vua Đavít viết rằng: “Kẻ khốn cùng nầy có kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải cứu người khỏi các điều gian truân” (Thi Thiên 34:6). A-sáp nhận thức sự yếu đuối của mình và nhu cầu cần có Đức Chúa Trời trong đời sống mình bằng những lời cảm động như thế nầy: “Thì bấy giờ tôi ở ngu muội, chẳng hiểu biết gì; Trước mặt Chúa tôi ở khác nào như thú vật vậy (Thi Thiên 73:22). Cả Đa-vít và A-sáp đều nhận được sức lực của Đức Chúa Trời bởi vì họ sẵn sàng khiêm nhường nhận biết nhu cầu và sự yếu đuối của họ. Đức Chúa Trời đã phán hứa cách mạnh mẽ cùng những ai làm như họ: “Những kẻ nghèo nàn thiếu thốn tìm nước mà không được, lưỡi khô vì khát; nhưng Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nhậm lời họ; Ta, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, sẽ không lìa bỏ họ đâu. Ta sẽ khiến sông chảy ra trên đỉnh núi trọi, và suối trào lên giữa trũng. Ta sẽ biến sa mạc thành ao, và đất khô thành nguồn nước... Hầu cho mọi người xem thấy và biết, ngẫm nghĩ và cùng nhau hiểu rằng tay Đức Giê-hô-va đã làm nên sự đó...” (Êsai 41:17-20).

1. Gương Của Phao-lô

Phao-lô đã học được rằng nếu ông càng thừa nhận những nhu cầu và sự yếu đuối của mình, thì quyền năng của Đức Chúa Trời đổ trên ông càng hơn. Ông viết: “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi.” (II Côrinhtô 12:7, 8) Và Đức Chúa Trời đã trả lời cầu nguyện của Phao-lô khi ông xin Chúa cất gánh nặng nầy khỏi ông như thế nào: “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn (đầy đủ) trong sự yếu đuối (của ngươi )”. (II Cô rinh tô 12:9) Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao Phao-lô nói: “Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó, vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ ”(II Cô rinh tô 12:9,10). Bởi nguyên tắc nầy, quyền năng của Tin lành hành động. Khi chúng ta yếu đuối, và chúng ta nhận thức được rằng chúng ta rất cần Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài. Điều nầy khiến chúng ta để nhiều thì giờ cầu nguyện. Kết quả như thế nào? Chúng ta sẽ mạnh mẽ!

Chương 1b TRÔNG ĐỢI ĐỨC CHÚA TRỜI

D. HỌC BIẾT TRÔNG ĐỢI ĐỨC CHÚA TRỜI

“Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” (Êsai 40:31)...

1. Hai Khái Niệm

Kinh Thánh có ý gì khi nói rằng: ”...trông đợi Đức Giê-hô-va”. Có hai khái niệm liên quan đến sự “trông đợi Đức Giê-hô-va”, đó là:

a. Trông Đợi Thời Điểm Của Đức Chúa Trời

Bạn sẽ không làm gì cả cho đến khi Đức Chúa Trời chỉ cho bạn lúc phải hành động.

b. Trông Đợi Trong Sự Cầu Nguyện Và Kiêng Ăn

Bạn để nhiều thì giờ cầu nguyện, tìm kiếm sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đôi khi sự cầu nguyện đi đôi với sự kiêng ăn.

2. Trông Đợi Thời Điểm Của Đức Chúa Trời

Tôi xin chia xẻ về trường hợp của tôi. Chúa kêu gọi tôi vào công việc Ngài năm 1948, năm tôi 16 tuổi. Tôi được sanh lại và được đổ đầy Đức Thánh Linh nhưng không biết mình cần phải dâng trọn ý chí và mọi chương trình của tôi cho Đức Chúa Trời. “Đời sống phó thác” của người Cơ đốc không hấp dẫn lắm đối với tôi. Tôi đã quyết định tất cả những gì tôi sẽ làm cho cuộc sống của tôi và tôi không hề có ý định trở thành một người truyền đạo. Vào mùa hè năm 1948, cánh tay của Chúa đã giáng mạnh trên đời sống tôi. Những sự kiện liên tiếp xảy ra dường như đã vật tôi xuống sàn nhà để cầu nguyện. Rất nhiều lần tôi nằm phủ phục trên nền nhà, nước mắt đầm đìa, cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ rằng những dòng nước mắt đó là những dòng nước mắt chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Tôi đã muốn đường lối của tôi, và Đức Chúa Trời muốn đường lối của Ngài. Sự xung đột giữa những ý tưởng nầy - ý muốn của tôi chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời đã gây ra một cuộc chiến đấu nội tâm dẫn đến sự chết. Sự chết của ý muốn của tôi. Ba tháng sau cuộc tranh chiến thuộc linh mãnh liệt nầy, tôi thuận phục theo những gì Đức Chúa Trời muốn tôi làm. Ngài muốn tôi đi ra và giảng Tin lành cho mọi người trên khắp thế giới.

a. Hãy Đi Ngay!

Khi tôi thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời, tôi thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa thương yêu, con sẽ đi nơi nào Chúa muốn con đi, con sẽ nói những gì Chúa muốn con nói, con sẽ trở thành người Chúa muốn con trở thành.” Với sự đầu phục trọn vẹn ý muốn của tôi vào ý muốn của Đức Chúa Trời, tôi đã sẵn sàng để ĐI NGAY LẬP TỨC! Không còn thì giờ để chần chừ (hoặc tôi đã tin như vậy) "Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy sai con đi ngay bây giờ. Con đã sẵn sàng. Thời gian còn rất ít! Bây giờ là thời đại nguyên tử! Ngày tận cùng của thế giới đang đến! Con đã sẵn sàng đi truyền giảng Tin Lành cho cả thế giới và nếu cần thiết, một mình con sẽ đi. Trong sự nhiệt tình và sự lạc quan của tuổi trẻ (và phải thêm rằng cả sự bồng bột), tôi mong muốn làm “người chinh phục thế giới vĩ đại” ngay lập tức.
Bạn thấy đó, suy nghĩ của tôi được uốn nắn bởi giáo lý của Hội Thánh chúng tôi. Những người lãnh đạo của Hội Thánh chúng tôi nhấn mạnh rằng Chúa Jesus sẽ mau chóng trở lại. Sự đến lần thứ hai của Chúa Jesus được giảng liên tục trên các tòa giảng. Những Mục sư giảng về đề tài này không phải là những người ở trong vùng thì cũng là những người từ nơi khác đến. Tôi đã mong đợi rằng Chúa Jesus sẽ mau chóng trở lại. Tôi nhớ một buổi giải đáp thắc mắc trong lớp Trường Chúa nhật của thiếu niên vào mùa hè năm 1948. Có một câu hỏi như thế nầy: “Bao lâu nữa thì Chúa Jesus sẽ trở lại? “Không một ai trong lớp thiếu niên đó tin rằng Chúa Jesus sẽ hoãn ngày tái lâm của Ngài sau năm 1950. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Sự xung đột tại Nam Triều tiên đang bùng nổ. Hiểm họa của sự hủy diệt hạt nhân dường như sắp xảy ra. Tôi đã nghĩ rằng đó là lúc mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện những gì Ngài muốn làm. Không còn thì giờ để chờ đợi nữa. Với nhiệm vụ phải giảng Tin Lành cho thế giới, và chỉ còn hai năm nữa để làm việc đó, tôi phải bắt đầu ngay lập tức! Đức Chúa Trời đã trả lời cho sự nôn nóng của tôi như thế nào?

b. Học Biết Phải Chờ Đợi!

Tôi đã phải học biết rằng, cho dù những sự giải thích của tôi về các sự kiện trên thế giới như thế nào, hoặc lòng nóng nảy của tôi ra sao, thì Đức Chúa Trời hành động theo thời gian của Ngài, chứ không phải của tôi. Một khi bạn cảm thấy "ngứa ngáy” muốn hành động thì điều khó chịu nhất là phải chờ đợi. Tôi không được chuẩn bị (huấn luyện) để đi truyền giảng Tin lành. Thật ra tôi đã được kêu gọi. Nhưng, Đức Chúa Trời kêu gọi và Đức Chúa Trời sai đi là hai điều hoàn toàn khác nhau. Vào lúc ấy tôi không biết rằng Đức Chúa Trời không bị ảnh hưởng bởi tình hình năm 1948. Tôi đã lo lắng nhưng Đức Chúa Trời thì không. Ngài đã vạch ra một chương trình để huấn luyện và chuẩn bị cho tôi. Sự lo lắng và mất kiên nhẫn của tôi đã không bao giờ làm tăng thời khoá biểu của Ngài lên một phút nào cả. Lúc đó tôi đã không nhận ra rằng tôi đang được huấn luyện để bước vào trận chiến thuộc linh. Và Đức Chúa Trời biết rằng tôi sẽ bị thất bại nếu đi ra mà không được huấn luyện. Vì vậy Ngài để cho tôi phải chờ đợi cho đến khi tôi nhận được sự chuẩn bị và kinh nghiệm. Qua những năm tháng chờ đợi Chúa, tôi học được rằng tôi không được ”...Vượt qua mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.., đặng làm một việc nhỏ hoặc lớn” (Dân Sô Ký 22:18).

c. Đức Chúa Trời Kiểm Soát Thời Gian

Kinh Thánh chép: ”...Khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài...” (Galati 4:4). Đức Chúa Trời kiểm soát các thì và mùa. Ngài biết lúc phải ban Chúa Jesus xuống thế gian. Ngài định thì giờ cho tất cả mọi sự. Hãy chờ đợi thì giờ của Đức Chúa Trời. Đừng đi trước hoặc đi tụt lại sau. Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ bày tỏ thì giờ của Ngài cho bạn. Kỳ hạn và ngày giờ ở trong tay Cha (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:7). Chúng ta phải học biết kiên nhẫn chờ đợi Ngài. Ngài sẽ bày tỏ ngày giờ và kỳ hạn cho chúng ta khi chúng ta cần biết.

3. Trông Đợi Trong Sự Cầu Nguyện Và Kiêng Ăn

“Nguyện những kẻ trông đợi Chúa chớ bị hổ thẹn... Nguyện kẻ nào tìm cầu Chúa chớ bị sỉ nhục...” (Thi Thiên 69:6 ). Nếu chúng ta “đổi” năng lực hạn hẹp của chúng ta lấy quyền năng vô biên của Ngài, chúng ta phải xây dựng một thói quen thuộc linh mỗi ngày. Ghép mình vào kỷ luật trong thời gian cầu nguyện (và kiêng ăn) đều đặn là một trong những việc khó làm nhất đối với người lãnh đạo Hội Thánh. Áp lực của những hoạt động hằng ngày có khuynh hướng cướp chúng ta khỏi những giờ phút tương giao rất cần thiết giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.

a. Thì Giờ Tĩnh Nguyện Hàng Ngày Ích Lợi Như Thế Nào?

Hãy thử thí nghiệm này. Đổ nước cho đến miệng của một cái bình. Đổ thật đầy cho đến khi thêm một vài giọt nước nữa thì sẽ tràn ra ngoài. Rồi bạn bắt đầu thả khoảng một nắm tay những viên đá vào đó. Điều gì sẽ xảy ra? Cứ mỗi viên đá bạn thả vào chiếc bình thì một lượng nước tương đương sẽ tràn ra ngoài. Đây là cách mà chúng ta trao đổi năng lực của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta được đổ đầy nước sức mạnh. Khi chúng ta để thì giờ cầu nguyện, Đức Chúa Trời bắt đầu thả những viên đá sức mạnh và quyền năng của Ngài vào. Những viên đá ân phúc nầy thay thế cho loại nước mang tính vô tín và tiêu cực, những viên đá của sự đầu phục Chúa thay thế cho loại nước tù túng là những thái độ cho rằng "Tôi có thể làm được mà không cần đến Đức Chúa Trời”. Quyền năng của Ngài được đổ vào đời sống chúng ta, sự bất lực của chúng ta được thay thế bởi sức mạnh của Ngài. Bạn có thể hỏi nhưng làm thế nào tôi có thể được đổ đầy sức mạnh của Đức Chúa Trời trên đời sống tôi? Đây là một quá trình "siêu nhiên- tự nhiên”. Nếu mỗi ngày bạn để thì giờ cầu nguyện, đó sẽ là một quá trình lớn lên. Một đứa trẻ không lớn lên và mạnh mẽ do nó nghĩ hoặc tự cố gắng ép buộc mình lớn lên. Đó là kết qủa tự nhiên của một chế độ ăn uống và luyện tập đầy đủ. Cùng một cách ấy, nếu một người lãnh đạo Hội Thánh để thì giờ học Kinh Thánh và cầu nguyện thì những chất bổ thuộc linh này sẽ làm tăng trưởng năng lực của Đức Chúa Trời trong đời sống người đó. Sự trao đổi sức mạnh của bạn bằng sức lực của Chúa sẽ diễn ra mỗi ngày càng nhiều hơn.

b. Tôi Phải Quản Lý Thì Giờ Tĩnh Nguyện Của Tôi Như Thế Nào?

Dàn ý sau đây được chọn lọc trong một dàn bài có chủ đề là "Đổi mới thói quen tĩnh nguyện”. Tôi nghĩ rằng đây là dàn ý giúp đỡ tôi nhiều nhất trong những giờ tôi tương giao với Chúa.

1) Xưng Tội

Hãy cầu xin Chúa đem những tội lỗi dấu kín vào tâm trí của bạn. Thừa nhận những tội này với Đức Chúa Trời, cầu xin sự tha thứ và tẩy sạch của Ngài. (I Giăng 1:9,10)

2) Tôn Vinh Đức Chúa Trời

Kế đến hãy để thì giờ cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ danh Ngài và vì những việc Ngài đã làm. (Thi Thiên 100:1-5).

3) Dâng Ngày Đó Lên Cho Đức Chúa Trời

Hãy thưa với Đức Chúa Trời rằng bạn rất cần sự hướng dẫn của Ngài. Bạn hãy cầu xin sự hướng dẫn của Ngài và vâng theo tất cả những sự hướng dẫn nào mà bạn cảm biết rằng đó là điều Đức Chúa Trời ban cho khi bạn cầu nguyện.

4) Cầu Nguyện

Cho Gia Đình cho Hội Thánh và cho tất cả các tín hữu khác. Cầu nguyện cho vợ hoặc chồng của bạn, cho con cái, cho các thành viên trong gia đình. Cầu nguyện cho các thành viên và người lãnh đạo của Hội Thánh bạn. Cầu nguyện cho những tín hữu ở những nơi khác nhau trên thế giới. Cầu nguyện cho những kẻ mồ côi và người góa bụa.

5) Cầu Nguyện Cho Những Người Lãnh Đạo

Những giáo sĩ, Những công cuộc truyền giáo Hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong quốc gia khác.

6) Cầu Nguyện Trong Tiếng Mới

Trong khi cầu nguyện, hãy để Thánh Linh hành động trên bạn và cầu nguyện bằng các thứ tiếng, cũng hãy cầu xin sự thông giải lời cầu nguyện của bạn trong các thứ tiếng khác (I Côrinhtô 14:13, 14).

7) Hãy Viết Lại Những Gì Đức Chúa Trời Bày Tỏ Cho Bạn Và Thực Hiện Theo Những Điều Ấy

Viết lại những cảm xúc mà Đức Chúa Trời ban cho bạn trong khi cầu nguyện. Rồi vâng theo những gì Đức Chúa Trời dạy bạn.

c. Những Thử Thách Có Ích Lợi Đối Với Chúng Ta Như Thế Nào?

Thánh Phierơ cho chúng ta biết rằng: ”...Khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường” (I Phierơ 4:12). Bạn của tôi là một Mục sư cao tuổi đã nói với tôi cách đây mấy năm rằng: "Nầy anh Ralph, khi anh cố gắng bước đi với Đức Chúa Trời, thế gian sẽ chống lại anh. Khi anh cố gắng thân mật hơn với Đức Chúa Trời, bản tánh xác thịt của anh sẽ chống lại anh. Khi anh muốn tiến bước lên chỗ cao hơn với Đức Chúa Trời, các thế lực ma quỉ và quyền lực tối tăm sẽ chiến đấu với anh.”
Không khi nào chúng ta gặp sự chống đối như khi chúng ta biệt riêng thì giờ cầu nguyện và trông đợi Đức Chúa Trời. Khi bạn quyết tâm tìm kiếm mặt Chúa, đó là lúc bạn gặp sự chống đối và thử thách. Nhưng chúng ta được khích lệ khi biết rằng mặc dầu sự thử thách và khổ nạn, thì "Mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rôma 8:28). Khi chúng ta trông đợi Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đối diện với lò lửa thử thách, những hoạn nạn, những cám dỗ và cuộc sống chúng ta bị nung lên.

Nhưng khi chúng ta đã đạt đến "điểm sôi” có hai điều sẽ xảy ra:

1. Tội lỗi và bản ngã được tẩy sạch

2. Quyền năng của Đức Chúa Trời bắt đầu hành động trong chúng ta

Quyền năng Đức Chúa Trời bắt đầu hành động trong chúng ta và qua chúng ta với những kết quả siêu nhiên. Khi chúng ta đặt một chảo nước lên trên bếp lửa, cuối cùng nước sẽ sôi. Bạn không thể ngăn sự sôi bằng cách nhìn vào chảo nước, hoặc khuấy nó liên tục, hoặc bỏ mặc nó. Dầu bạn có làm gì thì nước vẫn cứ sôi khi nó đã đạt đến nhiệt độ sôi. Sự sôi là kết quả của sự truyền nhiệt vào nước, chứ không phải là kết quả do sự tự tác động của nước lên chính nó. Cũng vậy, khi chúng ta đi ngang qua lửa thử thách hoặc khổ nạn, sẽ có những kết quả nẩy sinh trong chúng ta, nhưng không bởi sự cố gắng của chính chúng ta. Chúng là sản phẩm do sức nóng của Đức Chúa Trời truyền vào nước là bản chất của con người. Chúng ta kinh nghiệm được sự thay đổi người bề trong này. Những động cơ của chúng ta được thanh tẩy. Những ham muốn tội lỗi bị thiêu hủy.

”...Vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi” (I Phierơ 4:1). Vâng, đây là sự thật.

”...Nhưng ai trông đợi (thì giờ của Ngài với sự cầu nguyện và kiêng ăn) Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới...”

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 5850 guests and no members online

Your Language