02b. Gần Gũi Như Đá Kim Cương - Lisa Bevere
Tâm Linh
Tôi là một tâm linh sống động.
Bạn là một tâm linh sống động.
Chúng ta được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là Thần Linh. Dù là vô hình, nhưng tâm linh là thật và gần gũi như hơi thở của chúng ta. Nhưng có điều gì đó sâu hơn là luồng không khí thổi qua phổi chúng ta. Nó là sự sống của Đức Chúa Trời ngự bên trong chúng ta. Đức Chúa Trời của đám lửa và tình yêu sẽ thiêu đốt tất cả những gì ngăn cản sự biểu lộ và sự đón nhận tình yêu của Ngài.
Đức Chúa Trời là Thần Linh và những ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm linh và lẽ thật. (Gi 4:24)
Đức Chúa Trời là Thần Linh. Đức Chúa Trời là lẽ thật. Vì thế, chúng ta thờ phượng Ngài cả trong tâm linh và trong lẽ thật.
Hiện tại, những giới hạn bất toàn của con người chúng ta là một trở ngại đối với tâm linh chúng ta. Sự căng thẳng giữa khát khao được thoát khỏi và thực tại về sự giam hãm trong thân xác của chúng ta cũng chính là điều khiến chúng ta ước ao nhiều thứ.
Khi chúng ta còn trẻ, sự trăn trở này thôi thúc chúng ta tăng trưởng. Chính những thứ vượt quá tầm tay của chúng ta là những thứ thúc đẩy chúng ta vươn mình và trăn trở. Sau một thời gian, sự di chuyển chưa đủ. Sao lại phí cả ngày nhìn xuống sàn nhà? Để trả lời, chúng ta bỏ lại phía sau sự an toàn và vội vàng trườn để đứng lên. Tư thế đứng lên mở rộng tầm nhìn của chúng ta và trong một thời gian ngắn, chúng ta an phận để lùi lại. Nhưng đến một ngày khi chúng ta tự đứng trên chân của mình vẫn chưa đủ. Chúng ta muốn ngẩng cao đầu lên để đi tới.
Dù già hay trẻ, chúng ta đều cảm thấy thất vọng bởi những giới hạn của mình và cảm thấy bị phản bội bởi những giới hạn đó. Tại sao chúng ta lại nghĩ rằng những kinh nghiệm trong cuộc sống có khả năng chữa lành tâm linh con người? Cảm xúc của chúng ta có thể đụng tới và thân thể chúng ta có thể được thỏa mãn, nhưng sự che đậy của xác thịt không thể chạm đến tâm linh.
Dù là chính hơi thở của Thánh Linh Đức Chúa Trời truyền sinh khí cho phần vật chất và ban cho chúng ta khả năng để cảm nhận.
Nhưng chính tâm linh làm cho thể xác sống động, như Gia-cơ nói:
Thân thể không có tâm linh thì chết. (Gia 2:26)
Một khi tâm linh lìa khỏi xác thì thân xác sẽ quay về phạm trù vật chất, nơi mà nó được hình thành. Tâm linh là thứ ban sự sống và mục đích cho thân xác và khi không có tâm linh thì thân xác buộc phải thối rửa. Nhưng có một loại sự chết khác mà Gia cơ và Phao lô nói tới - đức tin chết.
Đức tin không có việc làm là chết (Gia 2:26)
Văn tự làm cho chết còn Thánh Linh ban sự sống. (2 Cô 3:6)
Đừng theo một tôn giáo nào mà không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời hay mở trang Kinh Thánh nào mà không có gió Thánh Linh thổi vào. Tiếng phán của Ngài nói ra sự sống. Giới hạn của văn tự luật pháp không chỉ là sự bất lực của con người về phương diện luật pháp tôn giáo - nhưng luật pháp cũng bao gồm những gì mà nền văn hóa của chúng ta khắc ghi trong xác thịt của chúng ta. Chính là những cái mác mà chúng ta được khích lệ của mặc vào.
Cho đến khi nào chúng ta nhận thấy rằng sống bởi những cái mác bên ngoài và bởi những văn tự luật pháp là sự chết thì chúng ta vẫn tiếp tục tìm phước không đúng chỗ. Chúng ta cần ai đó nói từ lòng đến lòng chạm đến sâu thẳm những khát vọng của chúng ta và làm sáng tỏ những sự bối rối của chúng ta. Có rất nhiều “trò chơi” làm hoa mắt thiên hạ trong nền văn hóa của chúng ta. Người ta bị phân tâm bởi ảo tưởng, trong khi đó kẻ đầu sỏ nấp phía sau bức tường đang kiểm soát những gì chúng ta thấy và nghe. Có lẽ bạn cũng đang nấp phía sau bức màn, làm ra vẻ ta đây nhưng thực chất thì bạn đang kêu gào muốn được người ta chú ý tới. Để ai đó thật sự thấy bạn thì đó chính là Đức Chúa Trời nhìn thấy.
Đức Chúa Trời Đấng bay lượn quanh đây
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. (Sáng Thế 1:1-2)
Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Tạo Hóa. Khi quả đất bị giam hãm, không có hình thể, thiếu nước và bóng tối che phủ mặt vực sâu . . . Đức Chúa Trời đến gần. Thay vì quay bỏ đi trong thất vọng hay tách mình khỏi mặt vực tối sâu thẳm, không chút hình hài nào, thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời bay lượn.
Tôi muốn ngừng lại mô tả cảnh tượng xung quanh chữ bay lượn này.
Từ bay lượn trong tiếng Hê-bơ-rơ là rachaf nói lên một bức tranh tuyệt đẹp và nên dịch là “nấn ná hay bay lượn một cách mềm mại và dễ thương.” Một lưu ý của các Ra-bi cho biết từ mà thường đi kèm với từ bay lượn là “giống chim bồ câu.”
Rachaf cũng có nghĩa là “vẫy cánh”. Chúng ta gặp lại từ này trong phần Kinh Thánh sau:
Chúa tìm thấy dân Ngài trong sa mạc, giữa hoang dã với tiếng gào thét quạnh hiu. Chúa bao phủ, chăm sóc người, che chở người chẳng khác gì con ngươi mắt Ngài. Như chim phụng hoàng khuấy động tổ mình, bay lượn qua lại quanh con mình, dang rộng cánh ra hứng đỡ, rồi cõng chim con trên hai cánh. (Phục 32:10-11)
Câu này so sánh cách Chúa bảo vệ và chăm sóc dân Y-sơ-ra-ên với cách mà con chim ưng tập cho các con của nó. Thánh Linh của Chúa bay lượn trên họ để bảo vệ khi Ngài dẫn họ từ nơi hoang tàn đến xứ hứa.
Tôi tưởng tượng đến cảnh âu yếm của người mẹ dừng lại bên giường của đứa con đang ngủ nhưng bị cựa quậy do thấy những cảnh tượng hãi hùng. Chúng ta có sẵn sàng để thức giấc không?
Trong khi Thánh Linh ấp ủ và bao phủ thì Ngài phán. Những lời của Ngài chọn lựa rất cẩn trọng. Ngài không vang vọng thực tại của nỗi vô vọng, phạm trù của bóng tối. Ngài khai phóng điều gì đó sẽ thành trong tương lai. Khi đối mặt với sự lộn xộn và bóng tối, Đức Chúa Trời kêu gọi cơn thức tỉnh. Mặt đối mặt với mặt nước tối tăm, Chúa phán một ánh bình minh, một khởi đầu mới, một ngày mới. Chúa phán sự sáng.
Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán: “Phải có ánh sáng!” Ánh sáng liền xuất hiện. Đức Chúa Trời thấy ánh sáng là tốt. Đức Chúa Trời phân rẽ ánh sáng và bóng tối. (Sáng thế 1:3-4)
Rồi ánh sáng xuất hiện và đó là tốt lành. Từ ánh sáng trong tiếng Hê-bơ-rơ ở đây có nguồn gốc nơi Chúa, là điều không lạ vì Chúa là ánh sáng tuyệt đối. Đây không phải là việc sắp đặt mặt trời. Biến cố đó xảy ra sau đó trong sự sáng tạo. Ánh sáng phát ra từ Chúa và chiếu ra để soi sáng bóng tối của quả đất. Có ngọn đuốc trong tay là một chuyện còn trở thành nguồn ánh sáng là một chuyện khác. Chúng ta là người mang ánh sáng. Nhưng Đức Chúa Trời là sự sáng. Ánh sáng sinh động nằm trong chính hơi thở của Ngài.
Vì thế, Ngài phán chính bản chất của Ngài vào quả đất chúng ta, và điều này là tốt lành vì . . . Chúa là tốt lành.
Từ Hê bơ rơ được dùng ở đây trong Sáng Thế 1 nói về tốt lành được diễn đạt bằng nhiều nghĩa trong tiếng Anh: điều ước ao, điều hiệu quả, điều tử tế, điều đạo đức và điều làm gia tăng giá trị. Khi ánh sáng được khai phóng, quả đất được gieo xuống tất cả những phẩm chất này và nhiều hơn nữa. Giai đoạn khởi nguyên này định vị quả đất trở thành một môi trường hấp dẫn, hiệu quả mà rất tốt đẹp và đạo đức cho dân cư của nó và cứ mỗi năm trôi qua, nó càng tăng thêm giá trị. Một khuôn mẫu về lòng tốt của Chúa bắt đầu khởi động.
Chúng ta không biết chắc rằng nguồn gốc của ánh sáng dưới quả đất là một sự bùng nổ hay ánh sáng từ từ mọc lên như ánh bình minh của một ngày mới. Điều chúng ta biết chắc Chúa là nguồn ánh sáng, mà ánh sáng là tốt lành và ánh sáng đã phân rẽ hoàn toàn khỏi bóng tối.
Đức Chúa Trời gọi sáng là Ngày và tối là Đêm. Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ nhất. (Sáng thế 1:5)
Một khi ánh sáng được khai phóng, nhiều điều bắt đầu xảy ra. Kế đến Chúa phân rẽ nước thành khoảng không, rồi tạo ra bầu khí quyển và khoảng không quanh quả đất. Một khi môi trường bao bọc này được đặt đúng chỗ, nhiều điều mà trước đây bị che khuất và tiềm ẩn dưới vực tối nay được chiếu sáng và bắt đầu xuất hiện.
Đức Chúa Trời phán: “Nước dưới bầu trời hãy tụ lại một chỗ và đất khô phải xuất hiện”, thì liền có như thế. Đức Chúa Trời gọi đất khô là Đất, và vùng nước tụ lại là Biển. Đức Chúa Trời thấy điều ấy là tốt. (Sáng thế 1:9-10)
Điều trước đây bị che giấu nay được bày tỏ. Đất luôn có đó, bị nước sâu che khuất, chờ ngày được hiển lộ. Tôi tưởng tượng quả đất nín thở và quan sát mong chờ khi ánh sáng xuất hiện qua mặt nước long lanh. Đất chờ đợi Lời Chúa kêu gọi nó. Và đất bắt đầu nở rộ lên sức sống của nó.
Đức Chúa Trời phán: “Đất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hạt và cây kết quả có hạt tùy theo loại” thì có như vậy. (Sáng thế 1:11)
Ngày hôm sau sự cai quản ngày và đêm, mặt trời, mặt trăng và ngôi sao được thiết lập. Điều này có nghĩa là mọi vật sống lúc đầu tăng trưởng dưới hơi ấm và tia nắng chói chang của ánh sáng của Chúa. Ngài là nguồn sáng, giống như một ngày nào đó Ngài sẽ như vậy một lần nữa.
Đêm tối không còn nữa. Họ sẽ không cần đèn hay ánh sáng mặt trời vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ chiếu sáng họ và họ sẽ trị vì cho đến đời đời. (Khải 22:5)
Một khi sự cai trị và phạm vi của mặt trời và mặt trăng được thiết lập, Chúa nói với địa phận của nước và bầu trời và gọi cá và các sinh vật biết bay trên không trung. Vực sâu của biển cả và khoảng không trên bầu trời cũng đều phát ra sự sống. Nơi mà trước Thánh Linh Chúa ấp ủ, bây giờ các sinh vật bay nhảy. Ngày hôm sau được biệt riêng để sự sống phát tỏa trên đất.
Đức Chúa Trời phán: “Đất phải sinh các sinh vật tùy theo loại, các súc vật, các loài bò sát và thú rừng tùy theo loại!” thì có như vậy. (Sáng thế 1:24)
Biển, không khí và quả đất đều sản sinh tùy theo loại. Đây là lúc Đấng Tạo Hóa sản sinh tùy theo bản chất của Ngài.
Đức Chúa Trời tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người như hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài tạo nên người nam và người nữ. (Sáng thế 1:27)
Con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Ngài. Tôi thắc mắc không biết chúng ta hiểu được cái đặc quyền được tạo dựng để phản ánh Đấng Tạo Hóa tài ba của chúng ta hay không.
Trước sự sa ngã, chúng ta chỉ có thể suy đoán về vẻ oai nghi của mỗi tạo vật. Nhưng người ta không thể đến gần hình ảnh của Chúa được thêu dệt bên trong chúng ta. Tôi không nói điều này. Tôi biết điều này là thật. Nếu bạn nghi ngờ là vì bạn thực sự không hiểu bạn là ai. Cả nam lẫn nữ đều được tạo dựng rất đẹp đẽ.
CHÚA, Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống. (Sáng thế 2:7)
Trước hết Chúa nắn sau đó Chúa hà hơi thở vào. Dùng bụi đất từ chỗ vừa mới được ánh sáng chiếu rọi, Đấng tạo hóa ban cho con người khả năng cất giữ chính hơi thở của Ngài. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hà hơi sự sống của Ngài vào hình hài con người, và cái hình hài đó trở nên sống động. Khi A đam được tạo dựng đầu tiên, ông là một con người đầy đủ. Ông có hình hài hoàn hảo và tâm linh và linh hồn cũng liên kết với nhau. A đam và Ê va đều hoàn hảo.
Đừng sợ bởi những gì tôi mới nói. Cũng đừng giữ lòng kiêu hãnh. Hãy để cho bản phát thảo danh giá về ý định nguyên thủy của Chúa đó là chúng ta là người mang ảnh tượng của Đấng Chí Cao khiến bạn cảm thấy đầy kiêu hãnh. Trong tội lỗi của A đam và Ê va, chúng ta đã đi qua xa đến độ chúng ta không thể dừng lại được. Bây giờ, được giấu mình trong nơi ẩn nấu an toàn, Đấng Christ là Đá Góc Nhà của chúng ta, chúng ta phản ánh đôi chút những gì chúng ta có trước đây và chờ đợi một hy vọng hiển vinh về những gì mà một ngày nào đó chúng ta sẽ thành. Như C.S. Lewis đã ghi nhận rất hay:
Aslan nói, “Ngươi sẽ gặp ông chủ A-đam và bà chủ Ê-va. Và đó là niềm vinh dự để một người nghèo nhất ngẩng đầu lên và một vị hoàng đế cao trọng nhất phải cúi đầu. Hãy an tâm.”
Bạn đươc tạo dựng để kết nối thân mật, đầy dẫy sự sống với Cha Thiên Thượng.
Chúng ta là con cái được hình thành từ bụi đất rất lâu trước khi sự sa ngã hoành hành trên thế giới của chúng ta. Tâm linh chúng ta trở nên sống động khi chúng ta được tái sanh, nhưng tâm trí và thân thể chúng ta cần sự nên thánh và sự đổi mới.
Chính Ngài bày tỏ những điều sâu xa kín nhiệm, Ngài biết mọi sự xảy ra trong tối tăm, vì Ngài là nguồn sáng. (Đa 2:22)
Trong sự sa ngã, sự kết dính giữa hồn và linh đã bị tách ra. Để hiểu rõ điều này, chúng ta ví sánh nó với một cái bình vẫn chứa nước nhưng không được đầy. Dù hơi thở của Ngài vẫn duy trì thể chất của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn ý thức về sự trống vắng, sự xa cách. Chúng ta thở vì Ngài ban hơi thở, nhưng dường như mỗi hơi thở vẫn cho thấy không đủ vì nó không làm chúng ta thỏa mãn. Không có thần linh của Chúa, chúng ta sống như những người sống bằng phao cứu sinh.
Bây giờ tôi phải chia sẻ tại sao tôi mất thời gian và giấy mực để giải bày câu chuyện sáng tạo theo cách này cho bạn. Tôi có cảm nhận rằng Thánh Linh của Chúa muốn ấp ủ trên một số lĩnh vực trong đời sống bạn. Ngài muốn làm như Ngài đã làm từ đầu ở sáng thế. Ngài muốn:
Làm sống động bạn bằng ánh sáng của Ngài (2 Cô 4:6)
Phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối (2 Cô 6:14)
Tạo ra một không gian cho đời sống bạn (Rô 4:7-8)
Kéo đi bức màn tối đen của mặt nước và bày tỏ đất mới (Hê 11:29)
Khai phóng hạt giống đã chôn sâu trong mảnh đất lòng của bạn để nó mọc lên và đươm hoa kết trái (Mác 4:20)
Kêu gọi sự sống và sự kì diệu trong vực sâu của bạn (Gi 7:38)
Giải phóng lòng bạn khỏi sợ hãi để nó có thể đón nhận đức tin (Mat 6:22; Mác 6:50)
Làm bạn ngạc nhiên bằng sự sáng tạo của công trình tạo dựng bao la của Ngài (Thi 19:1-6)
Hà hơi sự sống của Ngài vào một nơi mà trước đây bị tội lỗi ngự trị, làm tâm linh và linh hồn bạn sống lại và chữa lành tất cả những gì trước đây bị tan nát và xé rách. (Gi 20:21-22; Cô 2:2)
Ngay cả giờ này Đấng Tạo Hóa mong mỏi đến gần và xuất hiện mặt đối mặt với bất cứ chỗ nào đã bị che khuất bởi bóng tối hay mây mù lộn xộn và chiếu rọi ánh sáng của Ngài. Thánh Linh Ngài ấp ủ trên những nơi nào vô hình, trống vắng trong cuộc đời chúng ta. Ngài không phải là không biết nỗi đau của chúng ta hay lãnh đạm với tình trạng của chúng ta. Ngài không xa lánh khi Ngài thấy chúng ta tranh chiến. Thánh Linh được kéo đến gần, chờ đợi, chần chờ rất nhẹ nhàng, như người mẹ bên cạnh đứa con bị hoảng sợ, như chim ưng mẹ xè đôi cánh trên chim con khi chúng bị tung tổ lên, quan sát khi chúng thoát ra khỏi cái kén của nó. Sau đó chim mẹ xè cánh khi các con nó học bay. Đây là bản chất kiên định, vững vàng của Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đấng một lần nữa ở quanh chúng ta và ở trong chúng ta. Sự thân mật không chừa chỗ cho khoảng trống ngờ vực, nên đừng lẩn trốn. Cha của bạn nhìn thấy và yêu mến con người thật của bạn. Hãy tin tưởng rằng Đấng hình thành bạn cũng là Đấng hà hơi sự sống của Ngài vào trong bạn.
Thân Mật Mang Lại Sự Hoàn Hảo
Một điều Chúa không thể làm là nói dối.
Ngài sẽ không lập lại lời dối trá mà người khác đã nói về bạn.
Ngài sẽ không cho phép lời dối trá bạn đã nói về bản thân mình trở thành sự thật.
Ngài sẽ không cho phép một cái mác nào giới hạn bạn. Trong sự hiện diện của Ngài, mọi cái mác đều biến mất, ngay cả cái mà chính bạn đã từng vẽ ra cho mình.
Ngài gọi bạn bằng tên bạn, không phải là những cái tên mà người ta đã từng gọi bạn.
Ngài gọi bạn bằng cái tên mà Thánh Linh nhìn thấy khi Ngài ấp ủ bạn.
Ngài đã có mặt ngay tại nơi sâu thẳm và ngay trong những nỗi sợ hãi đen tối nhất của bạn.
Ngài nhìn thấy những nơi chưa được hình thành nữa.
Ngài nhìn thấy những hy vọng đã từng tuyệt vọng.
Ngài nhìn thấy đám mây mù của sự lộn xộn.
Ngài nhìn thấy sự xáo trộn của con người trong lúc khủng hoảng.
Ngài lắng nghe tiếng kêu của người sợ hãi và kẻ cô đơn.
Ngài cảm nhận nỗi đau của người bị ruồng bỏ và bị tách biệt.
Ngài nhìn thấy cái bẫy của tội lỗi và xấu hổ.
Ngài nhìn thấy những cơn sóng nước đang đe dọa bạn.
Ngài nhìn thấy tận sâu thẳm bóng tối đang che khuất thế giới của bạn.
Ngài nhìn thấy tất cả những điều này và Ngài phán hãy có sự sáng.
Những người khác có thể gọi bạn là cô gái. Ngài gọi bạn là con gái.
Những người khác có thể gọi bạn là người thất bại.
Ngài gọi bạn làm kẻ chiến thắng.
Bạn có thể gọi mình là phi giới tính, lưỡng giới tính, méo mói giới tính hay bất kì cái mác nào. Ngài gọi bạn là con gái của Ngài.
Người con gái thật cao cả hơn và nó sâu sắc hơn giới tính.
Người con gái thân mật hơn là tập trung vào giới tính.
Người con gái là con người thật của bạn đối với Đấng Tạo Hóa.
Đức Chúa Trời không gọi chúng ta là các «cậu ấm cô chiêu.»
Ngài gọi chúng ta là con trai và con gái.
Có những nơi thầm kín trong mỗi chúng ta mà chỉ có Ngài mới có thể chạm tới được. Có những chỗ trong chúng ta được tạo dựng để đáp ứng với Thánh Linh của Ngài. Chúng ta kêu cầu sự đụng chạm của Ngài mỗi khi chúng ta thở ra Danh Chúa Giê-su.
Tôi không biết hành tinh của chúng ta có kêu lên khi nó bị chìm sâu trong mặt nước tối tăm hay không. Tôi không biết tại sao Thánh Linh của Chúa chọn ấp ủ trên mặt địa cầu. Tôi biết bây giờ Thánh Linh gần gũi chúng ta để thì thầm, mong chờ vây quanh chúng ta và thu nhóm chúng ta lại.
Trong Tân ước, tấm lòng Đấng Tạo Hóa được vang vọng trong những lời của Chúa Giê-su:
Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri và ném đá các sứ giả Ta sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn họp con cái ngươi như gà mẹ gom con lại dưới cánh mình nhưng các ngươi không chịu. (Mat 23:37)
Thật bi kịch biết bao đó là những lời “Nhưng các ngươi không chịu.”
Ngay cả bây giờ Thánh Linh Chúa đang ấp ủ, chờ để phán bình an cho bão tố, để làm im lặng tiếng kêu thống hối của chúng ta. Ngài chờ đợi, mong mỏi ôm lấy chúng ta bằng sự bảo vệ và hơi ấm của cánh Ngài. Chúng ta có chịu không? Chúng ta có mời Thánh Linh đang ấp ủ đến gần chúng ta không? Liệu chúng ta có cho phép Ngài che phủ chúng ta không? Hay chúng ta cứ cố gắng kháng cự để tự mình che phủ mình như chúng ta đã không thể che phủ người khác? Liệu chúng ta có lắng nghe Đấng Tạo Hóa không?
Sự thân mật là một phần của khát khao sâu kín và thiết tha của chúng ta muốn được thuộc về ai đó hay thứ gì đó.
Chúng ta mong mỏi muốn thuộc về . . . vì chúng ta được tạo dựng để thuộc về.
Chúng ta khao khát sự gần gũi . . . vì chúng ta được tạo dựng để gần gũi.
Chúng ta cần yêu và được yêu . . . vì chúng ta được tạo dựng để yêu.
Và chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu.
Sự thật thì chúng ta có khuynh hướng quá đơn giản một số vấn đề và phức tạp hóa một số vấn đề. Khi liên hệ đến giới tính, chúng ta lại rơi vào hai thái cực này. Tôi sống trong thân thể của một người phụ nữ, nhưng nói cho cùng tôi là linh. Chúng ta đều là những hữu thể linh, trải qua những kinh nghiệm của con người. Quả đất này không phải là nhà của chúng ta, nên đừng lấy làm lạ khi thân thể của chúng ta cảm thấy hơi kì cục, bị giới hạn và bị gò bó. Nó không thể nào khác hơn cho tới khi thân thể hay hư hoại, hoặc hay chết của chúng ta mặc lấy thân thể đời đời. Chúng ta là những hạt giống chờ được khai phóng. Lúc đó chúng ta sẽ khám phá ra chúng ta thật sự là ai và thật sự là gì.
Chúng ta thảy đều bị tan vỡ. Những con người tan vỡ kết hợp nhau cũng không giải quyết sự tan nát của chúng ta cũng như tình dục không thôi cũng không thỏa mãn khát khao được gần gũi của chúng ta. Nếu thật vậy, các cô gái điếm và những kẻ nghiện tình dục sẽ là những người thỏa mãn nhất hành tinh. (Tôi nghĩ chúng ta đều đồng ý chuyện này không đúng). Nhưng có một Đấng mà chúng ta thuộc về, Đấng có thể chữa lành sự tan nát của chúng ta và thỏa mãn nhu cầu của chúng ta về sự thân mật. Chính Thánh Linh Chúa ấp ủ và khiến chúng ta lành lặn trở lại.
Còn nhớ câu Kinh Thánh trong Đa ni ên 2, nói hòn đá không bởi tay con người đục trở thành ngọn núi không? Khái niệm này được vang vọng trong sách Ê-sai:
Việc sẽ xảy ra vào những ngày sau cùng:
Núi của nhà CHÚA sẽ được Vững lập trên đỉnh các núi, Được nâng cao hơn các đồi, Và mọi quốc gia sẽ đổ về đó. Nhiều dân tộc sẽ đến và nói:
“Hãy đến, chúng ta hãy lên núi CHÚA, Đến nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Ngài sẽ dạy chúng ta đường lối Ngài, Để chúng ta đi trong đường Chúa.” Vì Kinh Luật sẽ ra từ Si-ôn
Và lời của CHÚA sẽ đến từ Giê-ru-sa-lem. (2:2-3)
Chúa bày tỏ cho chúng ta cách Ngài làm việc để chúng ta sống theo cách mà Ngài tạo dựng. Chúng ta được tạo dựng cho một sự thân mật không dời đổi, không thất bại. Sự thân mật đó không đánh mất niềm tin bởi những khát khao thầm kín của chúng ta cũng không bị gạt bỏ bởi những nỗi sợ hãi nhất của chúng ta. Nếu chúng ta hỏi, Ngài sẽ bày tỏ ánh sáng của lòng tốt của Ngài. Hãy dừng lại và suy gẫm và cho phép ánh sáng này làm bạn sống động.
Lạy Cha thiên thượng yêu dấu,
Con dám tin Ngài không xa cách hay khước từ con; Ngài rất gần. Có nhiều điều bị chìm sâu trong vực nước sâu của đời con mà con không thể thấy được. Con cho phép Ngài phán với cuộc đời con. Hãy khai phóng ánh sáng và phân rẽ nó khỏi bóng tối và sự lộn xộn trong cuộc đời con. Con đón nhận sự tạo dựng của Ngài cho con là người con gái của Ngài. Hãy chỉ cho con cách mà Ngài đang làm việc trong đời sống con để con sống theo cách mà Ngài tạo dựng con . . . cho vinh hiển Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-su. Amen!