Đá Kim Cương - Lisa Bevere

01b. Đá Kim Cương - Lisa Bevere

Chúa Giê-su là Đá Kim Cương

Không loại đá nào ra từ quả đất mà có thể đứng nổi trước Tảng Đá sống. Trong Chúa Giê-su, tất cả những gì mà người Hy lạp và những nhà huyền bí tìm kiếm đều thành hiện thực. Ngài là Vầng Đá của chúng ta, là Đá Góc Nhà và đá Adamant mà chúng ta mong ước từ lâu. Chỉ Đấng Cứu Thế mới là Vầng Đá bất biến có quyền năng thay đổi mọi sự và là Vầng Đá của mọi thời đại ở giữa chúng ta. Khi dân Y-sơ-ra-ên lang thang ở sa mạc trong cuộc rong đuổi không có mục đích thì Môi-se tuyên bố sự hiện diện của Vầng Đá này:

DaKimCuong 1262x981

Chúa là Vầng Đá che chở, việc Ngài làm luôn toàn hảo, Đường lối Chúa chính là công lý.

Ngài là Đức Chúa Trời thành tín không hề gian dối, Ngài đời đời chính trực công minh. (Phục 32:4)

Sau một thời gian ở trong sa mạc, Đa-vít kêu cầu với Chúa vào cái ngày ông được giải cứu:

Lạy CHÚA, tôi yêu mến Ngài, Ngài là sức mạnh của tôi. CHÚA là vầng đá, là thành lũy, là Đấng giải cứu tôi. Đức Chúa Trời của tôi là núi đá, nơi tôi trú ẩn, là thuẫn đỡ, là sừng cứu rỗi, là thành trì của tôi. (Thi 18:1-2)

Từ ngữ Hê-bơ-rơ trong Cựu ước dùng nói về vầng đá ở đây nghĩa là “nơi ẩn nấu bí mật.” Vầng Đá là sức mạnh của chúng ta, là nền tảng vững bền trong một thế giới rất dễ chao đảo. Chúa Giê-su là thành lũy khi mà kẻ thù muốn kéo chúng ta vấp ngã. Vầng Đá là sự giải cứu, là sự bảo vệ và vũ khí bảo vệ của chúng ta. Chúa xức dầu cho chúng ta bằng dầu của Thánh Linh Ngài và tuyên bố sự cứu rỗi của Ngài cho những kẻ bắt nạt chúng ta.

Xét về nhiều phương diện, chúng ta thảy đều là những người tị nạn trên đất này, đang tìm kiếm một nơi cao và kiên cố và cũng là nơi thánh thiện. Chúng ta mong tìm một vùng đất an toàn được công lí ngự trị. Giống như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đã bỏ lại phía sau những tên đốc công của người Ai-cập, nhưng chúng ta chưa dập tắt được tiếng nói hăm dọa của ông chủ tàn ác vẫn còn vang vọng trong chúng ta. Ngay cả Vầng Đá đang đồng hành với chúng ta khi chúng ta lang thang trong sa mạc một cách có chủ đích và để chuẩn bị cho tương lai, nhưng chúng ta biết chuyện này không thể xảy ra được. Này là lúc chúng ta thừa nhận sự tan nát của chúng ta và dựa vào Vầng Đá để chúng ta được chữa lành.

Ai ngã trên đá này sẽ bị tan nát, còn khi đá rơi trên ai, sẽ nghiền nát kẻ ấy thành cát bụi.” (Mat 21:44)

Câu này nói đến Chúa Giê-su, Ngài vừa là Vầng Đá vừa là Con Trời. Cả hai vị trí đều bị con người khướt từ dù là được Đức Chúa Trời ủy thác. Con là Vầng Đá đến để chà nát những vương quốc áp chế của loài người và hành động với tư cách là Đá Góc Nhà để thiết lập Vương Quốc Đức Chúa Trời. N.T. Wright nhấn mạnh sự liên hệ sâu sắc này :

Trong tiếng Anh chữ “Son” (Con) và chữ “Stone” (Vầng Đá) giống nhau, chỉ khác là chữ “Stone” được thêm vào hai mẫu tự. Tương tự trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ Ben (Con) cũng giống chữ “Eben” (Vầng Đá) chỉ thêm một mẫu tự.

Tôi rất biết ơn Chúa là trong Chúa Cứu Thế chúng ta được thêm vào cả Vầng Đá lẫn Con. Trong Chúa, kẻ cô đơn tìm được nơi ở và nhiều người trở nên một. Chúa Giê-su là Vầng Đá nứt ra từ ngọn núi của Đức Chúa Trời nhưng không do bàn tay con người đụng vào. Ngài là Vầng Đá có trước khi có bất kỳ vương quốc nào xuất hiện. Đa-ni-ên nói tiên tri về sự va chạm này với Chúa Cứu Thế là Đá Adamant khi ông mô tả giấc mơ mầu nhiệm và sự thông giải giấc mơ cho vua Nê-bu-cát-nết-sa:

Muôn tâu, bệ hạ đang nhìn, thì kìa, một pho tượng lớn xuất hiện. Pho tượng này đứng trước mặt bệ hạ, khổng lồ và sáng chói lạ thường, nhưng hình thù trông thật kinh khiếp. Đầu tượng bằng vàng ròng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và hông bằng đồng, đùi và ống chân bằng sắt, bàn chân nửa bằng sắt, nửa bằng sành. Khi bệ hạ đang nhìn, thì một tảng đá, không do tay người đục ra, đập vào hai bàn chân nửa bằng sắt nửa bằng sành của pho tượng, khiến chúng bể tan tành. Ngay lúc đó, sắt, sành, đồng, bạc và vàng đều bị nghiền nát như trấu trên sân đạp lúa mùa hè, và bị gió đùa đi mất tăm. Nhưng tảng đá đập bể pho tượng biến thành một ngọn núi lớn, đầy dẫy khắp địa cầu. (Đa 2:31-35)

Trong Chúa Cứu Thế, hạt giống trở thành viên đá và viên đá trở thành ngọn núi. Ngọn núi làm đầy dẫy địa cầu đó là núi Si-ôn và viên đá giống của ngọn núi này là Chúa Giê-su. Nếu chúng ta thiếu khôn ngoan mà cố gắng xây dựng cuộc đời mình bằng những vật liệu không đứng nổi dưới sức nặng của Tảng Đá thì mọi đeo đuổi của chúng ta sẽ tan tành và bị gió của thời gian cuốn trôi đi hết. Chúa Giê-su làm rúng động những gì bị rúng động để cho chỉ những gì không bị rúng động sẽ cứ còn vững vàng. Hỡi độc giả, hãy đón nhận chân lí này cách run sợ. Hãy để tấm lòng bạn run sợ vì Ngài yêu bạn đến độ cho phép bạn bị mắc kẹt vào những chân lí mơ hồ và những nền tảng dễ sụp đổ một lần nữa. Bạn không được định để xây bằng những vật liệu ở dưới đất này như là kim loại hay đất đá. Bạn được tạo dựng thành một viên đá sống.

Những Viên Đá Sống

Hãy đến cùng Ngài là tảng đá sống, đã bị loài người loại bỏ nhưng được Đức Chúa Trời chọn lựa và quý trọng. Anh chị em cũng được xem như những tảng đá sống được dùng để xây dựng nhà thiêng liêng, và qua Chúa Cứu Thế Giê-su anh chị em sẽ nên thầy tế lễ thánh để dâng sinh tế thiêng liêng đẹp lòng Đức Chúa Trời. (1 Phi 2:4-5)

Trong bản dịch The Message, đoạn này bắt đầu bằng những chữ “Xin đón chào đến với Tảng Đá sống, cội nguồn của sự sống.” Trong Chúa Cứu Thế, tấm lòng của chúng ta sống trở lại và chúng ta cũng trở nên những viên đá sống, được đặt trong hội thánh để nhận biết mục đích của chúng ta. Chúng ta có mặt trên đời này là để dâng cuộc đời chúng ta để xây dựng ngôi nhà hay đền thờ thuộc linh. Chúng ta không giữ vai trò của người thợ xây. Chúng ta là vật liệu thô mà Chúa dùng để xây hội thánh Ngài.

Tôi thích từ đền thánh. Nó là nơi bảo tồn hay che chở, là ốc đảo an toàn, là nơi bảo vệ và nơi ẩn náu. Thật là một bức tranh về đời sống chúng ta như là đá adamant an toàn. Đây không phải là toà nhà chết. Nó là nơi ẩn nấu, tràn đầy sức sống, là nơi chúng ta dâng đời sống chúng ta cho Cha Thiên Thượng, như các thầy tế lễ trong đền thờ đã làm. Phi-e-rơ nói tiếp hình ảnh này trong 1 Phi-e-rơ 2:6-8:

Vì Kinh Thánh đã chép: “Này, Ta đã đặt trên Si-ôn một tảng đá góc nhà được chọn lựa và quý giá, và người nào tin cậy đá ấy sẽ chẳng hổ thẹn.” Tảng đá này cũng quý giá cho anh chị em là những kẻ tin. Nhưng cho những kẻ không tin: “Tảng đá mà thợ xây nhà loại ra, sẽ trở nên tảng đá đầu góc nhà,” và là: “Một tảng đá chướng ngại, làm cho họ vấp ngã.” Họ vấp ngã vì không vâng giữ Đạo và việc đó cũng đã định sẵn rồi.

Tôi biết đôi khi có nhiều điều người ta nói và làm khiến chúng ta không muốn nói mình là cơ đốc nhân đi nhà thờ, nhưng chúng ta không nên hổ thẹn giây phút nào về Đá Góc Nhà của chúng ta. Chúa Giê-su không chút tì vết. Chúng ta là những viên kim cương có tì vết và thường không chiếu sáng Ngài ra cách rõ ràng bởi những tạp nhạp của chúng ta, nhưng Người Thợ Xây Chuyên Môn của chúng ta thêu dệt chúng ta lại với nhau để những gì tốt đẹp trong mỗi chúng ta được tỏa sáng còn những khiếm khuyết của chúng ta thì được Ngài cứu chuộc.

Người ta làm chúng ta thất vọng

Người ta không nhận ra chúng ta

Chúng ta làm thất vọng người khác và không nhìn nhau như cách Chúa Giê-su nhìn chúng ta.

Nhưng trọn đời chúng ta, chúng ta phải tôn trọng Ngài, vì Ngài không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Ngài chịu thử thách nhưng không hề dao động hay thất bại. Chúa Giê-su sẵn sàng cam kết yêu thương nàng dâu vẫn còn khiếm khuyết của Ngài, tức hội thánh. Liệu chúng ta há không làm tương tự như thế sao?

Cho nên CHÚA phán thế này: “Này, Ta đặt tại Si-ôn một tảng đá, Tảng đá thử nghiệm, là đá góc nhà quí báu, một nền móng vững chắc để ai tin cậy sẽ không hốt hoảng.” (Ê-sai 28:16)

Từ hốt hoảng trong tiếng Hê-bơ-rơ không chỉ có nghĩa là vội vả mà còn có nghĩa là “bực bội và bối rối.” Đó là lời hứa cho chúng ta - cho bạn và cho tôi: chúng ta là kẻ tin sẽ không bực bội hay bối rối. Chúng ta sẽ được gìn giữ trong sự bình an trọn vẹn khi chúng ta hướng tâm trí nơi Đá Góc Nhà Adamant của chúng ta. (Ê-sai 26:3)

Có Chúa Giê-su, tầm nhìn đã được chuyển hướng và Đấng trước đây bị loại (Chúa Giê-su) trở thành ngôi nhà cho những kẻ bị ruồng bỏ.

Nhưng anh chị em là dân tộc được lựa chọn, vị tế lễ của hoàng gia, một dân thánh, con dân thuộc về Đức Chúa Trời để anh chị em rao truyền các công việc lạ lùng của Ngài là Đấng đã kêu gọi anh chị em ra khỏi chốn tối tăm để vào nơi sáng láng diệu kỳ của Ngài. Trước kia anh chị em không phải là một dân tộc, nhưng nay là con dân của Đức Chúa Trời; trước kia anh chị em không nhận được sự thương xót, nhưng nay anh chị em được thương xót. (1Phi 2:9-10)

Trước đây chúng ta không thuộc về Ngài; bây giờ chúng ta thuộc về Ngài. Trước đây chúng ta bị khướt từ; bây giờ chúng ta được chấp nhận. Trước đây chúng ta bi chia cắt; bây giờ trong Chúa Giê-su chúng ta là một.

Nhưng bạn . . . và tôi . . . chúng ta là những kẻ ngoài cuộc . . . được Chúa chọn và được kêu gọi làm công tác tế lễ như là một dân thánh. Chúng ta làm chứng về những gì Ngài đã làm trong đời sống chúng ta. Đời sống mới của Ngài hoán đổi thay cho đời sống cũ của chúng ta và sự chết của chúng ta hoán đổi lấy sự sống của Ngài. Chúng ta chấp nhận Tảng Đá và kêu cầu Đá Góc Nhà của chúng ta vá lại những đổ vỡ trong đời sống chúng ta. Trong Chúa Giê-su, chúng ta đi từ chổ bị khướt từ đến chổ được đón nhận. Trong Ngài, chúng ta trước đây không có gì đến chổ có mọi sự.

Đá Góc Nhà của chúng ta không phải cứ chôn sâu trong quá khứ. Chúa Giê-su không phải là viên đá sống nằm sâu dưới lòng đất. Chúa Cứu Thế là Tảng Đá sống và là Kiến Trúc sư cho sự khởi đầu mới của chúng ta. Ngài là Vầng Đá bất biến có quyền năng thay đổi chúng ta.

Những Viên Đá và Những Hạt Giống

Trong kiểu kiến trúc thời xưa, đá góc nhà được cho là hạt giống từ đó cả tòa nhà sẽ phát sinh. Đá góc nhà tạo ra một mô hình mà mọi viên đá khác phải xây theo. Nó quan trọng nên đá góc nhà được người thợ xây đặt rất chính xác để dùng làm ngôi sao chuẩn mực đo tường xây. Thật tuyệt vời khi Đá Góc Nhà của chúng ta xuất hiện thì cũng có ngôi sao dẫn đường.

Kiến trúc hiện đại thì không còn dùng đá góc nhà làm hạt giống cho tòa nhà. Đá góc nhà bây giờ chỉ là đá trang trí sau khi tòa nhà xây xong và để kỉ niệm ngày nó được đặt móng. Những đá góc nhà ngày nay không dùng cho mục đích xây dựng; nó chỉ để trang trí. Ngược lại, Chúa Giê-su không phải đồ trang trí thêm cho cuộc đời chúng ta. Ngài là Mẫu Mực của chúng ta và là Hạt giống mà từ đó toàn bộ cuộc đời chúng ta được hình thành.

Không chỉ Ngài là nơi ẩn nấu và là hạt giống cho nền tảng của chúng ta mà Ngài còn là Đấng làm chúng ta tươi mới.

Liên quan đến sự xuất hiện của Chúa Giê-su, Phao lô giải thích Vầng Đá trong sách Xuất Ai-cập cho hội thánh tại Cô-rinh-tô: “Và tất cả đã uống cùng một thứ nước thiêng liêng. Vì họ đã uống nước từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ, tảng đá đó chính là Chúa Cứu Thế.” (1 Cô 10:4). Khi dân Y-sơ-ra-ên đi theo Môi-se trải qua sa mạc, họ được lấy lại sức từ nước của hòn đá - một hòn đá đã đi theo họ. Chúa Giê-su là Vầng Đá đó. Ngay cả lúc đó tình yêu và sự cung ứng của Chúa vẫn có đó và Chúa Giê-su là Đấng đi theo gìn giữ họ.

Thật li kì biết bao!

Vầng đá này không chỉ cung cấp nước cho hàng triệu người mà còn di chuyển cùng với họ. Chúa hiện ra trong trụ mây ban ngày, trụ lửa ban đêm và hòn đá này đi theo họ cả ngày lẫn đêm. Đây là một bức tranh tuyệt vời về sự hiện diện chăm sóc của Chúa đối với dân Y-sơ-ra-ên khi họ trải qua sa mạc. Một số truyền thống ra-bi cho biết đây vầng đá thực sự giống như cái rây lăn theo họ và dừng lại ngay cửa trại hội mạc khi họ dừng lại.

Dù vầng đá ở sa mạc này đi theo họ có nghĩa đen hay nghĩa bóng thì Phao lô nói vầng đá này tiêu biểu cho Chúa Cứu Thế trước khi hiện thân, Đấng dõi theo họ liên tục. Vầng đá này hình bóng trước về Đấng Emmanuen, Chúa luôn luôn hiện diện với chúng ta. Ngay cả bây giờ Chúa Giê-su là Vầng Đá đi với chúng ta trải qua sa mạc cuộc đời, làm tươi mát chúng ta bằng nước sống của Ngài.

Ngài chẻ đá, nước phun ra, chảy trong sa mạc như dòng sông. (Thi 105:41)

Cuộc đời có thể đầy dẫy những giai đoạn sa mạc, và sa mạc là cách để phơi bày nguồn sự sống của chúng ta. Một số mùa khô cằn kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng và rồi có những lúc trông đợi mòn mõi suốt nhiều năm. Nhưng cho dù hoàn cảnh hiện tại thể nào đi nữa hay nó có kéo dài bao lâu đi nữa, có một dòng sông ẩn sâu trong sa mạc của bạn. Dòng sông này không ở xung quanh bạn; nó ở bên trong bạn. Nếu bạn khát, nếu cuộc đời của bạn hoang tàn, hãy kêu cầu cùng Vầng Đá.

Trên thập tự giá, Vầng Đá này, là Chúa Giê-su, được mở ra trở lại, và lần này máu và nước chảy ra từ hông Ngài . . . nước để rửa sạch và máu để cứu chuộc.

Sự tốt lành của Vầng Đá của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi sự xấu xí của chúng ta. Khi Đá Kim Cương của chúng ta chạm trán với những khiếm khuyết của chúng ta, những khiếm khuyết này trở thành bụi đất trước sự toàn hảo của Ngài. Không phải là Ngài không ý thức về những vi phạm của chúng ta. Ngài không chỉ nhìn thấy nỗi đau và hổ thẹn do chính những chọn lựa cố tình của chúng ta gây ra cho chúng ta và cho những người khác. Mà là vì Ngài không thể làm gì khác hơn là làm theo bản chất của Ngài . . . đó là tốt lành và thương xót. Ngài là Chúa và Cứu Chúa của mọi người và ai ném cuộc đời tan nát của mình lên vầng đá adamant thương xót của Ngài đều sẽ được biến đổi.

Tên Mới

Đức Giê-su phán: “Phước cho con, Si-môn con Giô-na! Vì không phải xác thịt và huyết bày tỏ cho con, mà chính Cha Ta ở trên trời.” Còn Ta, Ta bảo con: “Con là Phê-rơ, Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên vầng đá này và cửa Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó. (Mác 16:17-18)

“Ngươi là Phi-e-rơ.”

Đời sống mới đòi hỏi bản chất mới. Bản chất mới đòi hỏi món quà được đặt tên mới.

Lời tuyên bố này chắc hẳn đã khắc sâu trong linh hồn của Si-môn. Chắc hẳn ông phải cảm nhận điều gì đó khi được chọn ra và được gọi là viên đá sau khi ông để cả đời được người ta biết đến với cái tên khác?

Si-môn. Không có gì sai với cái tên này. Nhưng nó không đủ lớn. Nó nói đến việc ông trước đây là người như thế thay vì ông sẽ là người ra sao. Khi chúng ta nói điều gì đó khác, chúng ta bắt đầu nhìn thấy khác. Phi-e-rơ là tên mới thích hợp với định mệnh thiên thượng của ông.

Si-môn nghĩa là “lắng nghe”. Nó cũng có nghĩa là “bản tính như cây sậy và dễ dao động.” Khi chúng ta đan dệt hai cái tên này lại với nhau, chúng ta thấy một cái tên nghĩa là một người chìu theo hướng nào mà họ nghe. Theo ánh sáng đó, chúng ta thảy đều là si-môn, chờ đợi để được đặt tên theo ánh sáng của định mệnh thiên thượng, vì giống như Phi-e-rơ chúng ta có khuynh hướng di chuyển theo hướng chúng ta nghe.

Trong cuộc nói chuyện với si-môn, việc đổi tên sẽ hình bóng trước vị trí của chúng ta trong Chúa, vì Ngài thay đổi mỗi chúng ta từ cây sậy lung lay thành một viên đá kim cương vững chắc.

Si-môn cần dịch chuyển từ một người đánh cá sang đánh lưới người. Việc đặt tên lại cho Si-môn đã đóng lại quá khứ để Chúa có thể lấy viết và giấy viết thành một cái tên mới.

Tôi thắc mắc không biết Phi-e-rơ lúc đầu có cảm thấy cái tên mới hơi lạ kì không. Hay đây có phải là cái tên mà ông mong được ai đó đặt cho cả cuộc đời ông? Điều này cũng đúng cho hết thảy chúng ta chăng? Bạn có biết ở thiên đàng chúng ta sẽ nhận một viên đá có tên thật của chúng ta trên đó không? Chúa Giê-su hứa:

Ai có tai hãy nghe lời Thánh Linh phán dạy các hội thánh: Người nào thắng, Ta sẽ cho ma-na đã được giấu kỹ. Ta sẽ cho người viên đá trắng, trên đá ấy có ghi một tên mới, ngoài người nhận nó, không ai biết được. (Khải 2:17)

Tên mới này tuyên bố sự chiến thắng. Nó khắc ghi cách mà chúng ta thắng được những nỗi sợ hãi và trở thành người mà Chúa muốn chúng ta thành. Tôi thấy thật hứng thú là tên của chúng ta được khắc trên đá. Đối với tôi chuyện này nói lên việc trước đây chúng ta là người hay thay đổi nhưng bây giờ chúng ta trở thành người thuộc cõi đời đời. Tại sao tôi lại chọn sống giam mình trong cái tên mà chỉ hợp với tôi ở đời này trong khi đó Vầng Đá của tôi lại uốn nén tôi thành người để phù hợp cho cõi đời đời? Tôi phải sống để tăng trưởng giống như cái tên mới của tôi.

Có một điều gì đó dịch chuyển khi những gì Chúa Giê-su nói về chúng ta trở thành một phần của chúng ta. Trong những lúc như thế, chúng ta chỉ nhìn thoáng qua một phần nhỏ của những gì mà chúng ta chưa biết hết. Đây là một trong nhiều lí do tại sao tôi thích chính Phi-e-rơ là viên đá mời chúng ta đến với Đá Góc Nhà của chúng ta.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Chúa Giê-su nói về đá. Khi chúng ta nghĩ về những người thợ mộc, chúng ta nghĩ những người này chỉ làm việc với gỗ, nhưng vào thời của Chúa Giê-su, các thợ mộc cũng là những thợ thủ công đẽo đá, sắc và đồng cũng như đẽo gỗ.» Đá Góc Nhà của chúng ta rất quen thuộc với đá.

Trên đất này, chúng ta được người ta biết đến qua cái tên mà cha mẹ chúng ta đặt cho. Ở cõi đời đời, chúng ta sẽ có một cái tên mới mà chỉ chúng ta biết. Nhưng cho tới khi mà những điều bí ẩn sẽ được tỏ bày cho chúng ta, thì chúng ta hiện có đặc quyền sống trong kì quan của Danh Chúa Giê-su.

Trong Chúa Giê-su, những viên đá hợp lại với nhau thành một ngọn núi thánh.

Trong Chúa Giê-su, những hạt giống nhỏ mọc lên thành những cây cổ thụ.

Trong Chúa Giê-su, những tấm lòng chai đá trở thành những viên đá sống.

Trong Chúa Giê-su, nhiều người trở nên một.

An Ninh Trong Ngài

Vị trí của chúng ta trong Chúa không dựa vào khả năng nắm giữ của chúng ta. Lúc chúng ta giấu mình trong Ngài, chúng ta được an ninh trong khả năng nắm giữ của Ngài. Trong Chúa Giê-su, là Vầng Đá, là Đá Kim Cương, là Đá Góc Nhà của chúng ta, chúng ta được an toàn.

Mới đây, tôi bay tới Chicago và đi một chuyến ta-xi dài đến khách sạn của tôi, người tài xế đạo Hồi cố tìm cách cải đạo tôi sang Hồi Giáo. Anh đảm bảo với tôi là nếu tôi cầu nguyện mỗi ngày và sống theo giới mạng của đạo Hồi, tôi sẽ có cơ may lên thiên đàng. Anh này khẳng định vậy! Không có cái gì đảm bảo được, nhưng có một cơ may. Anh này tử tế chào mời tôi một chỗ trên vầng đá nhưng không có sự hứa hẹn nào. Tôi đau lòng thừa nhận rằng tôi sẽ ngã và trượt khỏi vầng đá. Tôi chọn cứ ở trong Chúa Giê-su; tôi sẽ ngã nhưng không bao giờ ra khỏi Ngài.

Chúng ta ngã trong Ngài chứ không phải ngã khỏi Ngài.

Nhưng để chúng ta có thể cứ ở trong Ngài, Chúa đặt một lượng đức tin trong chúng ta. Chúng ta vấp ngã khi chúng ta đặt lòng tin cậy nơi ai đó. Chúng ta sẽ không bao giờ dao động khi đức tin của chúng ta đặt nơi Chúa. Hãy để đức tin của Chúa bước vào đời sống bạn. Hãy mời nó đến. Bạn đã cố gắng và đã thất bại bởi sức riêng của mình. Bạn đã quan sát những người khác chao đảo khi họ cố gắng leo lên tảng đá đức tin bởi sức riêng của họ. Chỉ đức tin là vô hình không có nghĩa là nó không hiện hữu hay không xảy ra. Đức tin là niềm hy vọng sống động ẩn sâu bên dưới, muốn trào lên bên trong chúng ta để giúp chúng ta tin rằng còn có nhiều điều nữa. Đức tin mang lại cho chúng ta lòng can đảm để cầu xin thêm nữa, để dám ước mơ rằng trong Chúa chúng ta có thể trở thành những viên đá adamant, không dời đổi và không chùn bước.

Những Ngọn Núi

Chúng ta được mời leo lên những ngọn núi trong đời sống của chúng ta bởi sức Chúa, bước theo dấu chân Ngài. Mới đây, tôi viết những lời này trong nhật kí của tôi:

Những đỉnh núi cao đang gọi tôi, nào hãy đến đây và thỏa thích nơi ta. Nó mời mọc tôi bằng những huyền nhiệm không gì sánh bằng. Chỉ những ai dám leo lên mới biết được điều này. Nhưng tôi lớn tuổi rồi, không còn sức nữa. Tại sao lời mời gọi này cứ chờ đợi mãi vậy? Ngài trả lời, “Vâng, ngọn núi thì cao nhưng tôi mạnh mẽ. Tuổi trẻ con sẽ được đổi mới khi con đi theo con đường mà Ta vạch ra cho con đi.”

Tôi sống tại Colorado, suốt ngày ngắm núi non. Nên đối với tôi, lời thì thầm của Chúa đi theo Ngài leo núi cũng dễ hiểu thôi. Tôi không biết bạn đang sống ở vùng đất nào, nhưng tôi biết điều này - bạn được mời để lên cao. Không phải lên ngọn núi đá Si-nai, là nơi mà không ai dám chạm đến. Bạn được mời đến núi Si-ôn, ngọn núi sống kì diệu.

Nhưng anh chị em đến gần núi Si-ôn, gần thành phố của Đức Chúa Trời hằng sống, gần Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ hội họp và hội thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời, gần Đức Chúa Trời là thẩm phán của mọi người, gần tâm linh của những người công chính đã được toàn hảo, gần Đức Giê-su là Đấng trung gian của giao ước mới, gần huyết rưới ra, huyết ấy nói lên còn hùng hồn hơn huyết của A-bên. (Hê 12:22-24)

Điều gì đó xảy ra khi chúng ta bước vào lời mời gọi kì diệu này.

John Muir, nhà thiên nhiên học nổi tiếng, đã tiên phong trong việc tạo ra không gian hoang dã, có lần đã nói, “Bây giờ chúng ta sống trong những ngọn núi và những ngọn núi sống trong chúng ta, nung nấu lòng nhiệt thành, làm đầy ắp con người chúng ta.” Những lời này mô tả sự kì diệu của ngọn núi Sierra Nevada Mountain, một rặng núi còn tự nhiên và hoang dã. Điều này sẽ càng kì diệu hơn khi nói về ngọn núi sống mà chúng ta bước vào cũng như nó bước vào chúng ta? Vì không chỉ chúng ta ở trong Chúa Giê-su . . . mà Chúa Giê-su cũng là hy vọng ở trong chúng ta. Hy vọng của chúng ta đến từ Núi Si-ôn, dù chúng ta đã mời Ngài cai trị bên trong chúng ta.

Nguyện những trang sách này được dùng như là một lời mời gọi tất cả những ai đã từng cảm thấy bị khướt từ và là nơi trú ẩn cho những ai run rẩy do sợ hãi. Khi bạn bắt đầu cuộc hành trình, nguyện bạn bước vào sự kì diệu và sự chắc chắn của lẽ thật và thoát khỏi cái bẫy của những sự hỗn loạn và những quan điểm của trần gian. Vầng đá Kim Cương của chúng ta không hề rúng động; Ngài trước giờ vẫn ở với chúng ta.

Lạy Cha ở trên trời,

Con chọn đón nhận tất cả những gì làm nên một viên đá sống và một thầy tế lễ nhà vua. Hãy trở thành nơi ẩn nấu và sức mạnh của con, là sự tươi mới và niềm hy vọng của con. Hãy khắc ghi tên mà Ngài ban cho con trên bia lòng con. Chúa Giê-su ơi, là Đá Góc Nhà và Đá Kim Cương của con, nguồn sự sống không dời đổi và không thất bại, xin hãy ngã trên con. Hãy tự do hành động trong đời sống con.

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 5007 guests and no members online

Your Language